Túi nhựa, thùng carton đựng thức ăn, quần áo cũ… ngổn ngang trên mọi ngõ ngách ở thung lũng Naivasha, Kenya đã thành chuyện quá khứ. Giờ đây, rác thải trong khu vực đều được tập kết tạo một địa điểm đặc biệt là một lò đốt rác thải.
Dưới nhiệt độ lên đến 800°C, mọi loại rác thải đều được đốt cháy. Nguồn nhiệt tạo ra sau quá trình này được xử lý trở thành nguồn năng lượng, cung cấp cho các hộ gia đình nhiệt lượng để nấu chín thức ăn. Việc làm này không những giải quyết được vấn nạn ô nhiễm, mà còn tạo ra nguồn nhiệt lượng giá rẻ cho địa phương.
Chị Lillian Wambula, người dân ở Kenya cho biết: "Từ khi có chiếc lò đốt này, tôi không phải sử dụng dầu hỏa nữa. Hằng ngày, tôi mang thức ăn đến đây đun nấu, xong chỉ việc mang thức ăn về".
Chiếc lò đốt rác thải độc đáo này là ý tưởng của một nhóm kiến trúc sư đang làm việc tại công ty chuyên thiết kế đồ dùng gia đình tại thủ đô Nairobi. Phải mất tới vài năm, nhóm kiến trúc này mới tìm ra giải pháp xử lý mùi khí thải độc hại thải ra trong quá trình tiêu hủy rác. Ngay sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng một năm trước, công trình này đã nhận được khá nhiều giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ tại Kenya.
Chị Janice Muthui, Trưởng nhóm công trình chế tạo lò đốt rác thải chia sẻ: “Chúng ta cần phải cho rác thải biến mất. Nhưng biến mất bằng cách nào ít độc hại nhất thì ít ai làm được. Chiếc lò của chúng tôi, không quá cầu kỳ về thiết kế nhưng lại xử lý rất tốt vấn đề đó. Chúng tôi tự hào vì mình đã làm được công việc giúp ích cho cộng đồng”.
Nơi đầu tiên dùng chiếc lò đốt này là tại một nông trại trồng hoa ở Naivasha. Kể từ khi có chiếc lò đốt rác, người dân trong vùng không ai còn kêu than vì mùi hôi thối bốc lên từ những núi rác khổng lồ.
Anh Davia Musyoka, người dân ở Kenya nói: “Tôi mong khắp đất nước Kenya cũng đều xây chiếc lò đốt này, để mọi người cũng được hưởng lợi”.
Hiện Kenya mới có xây dựng hai chiếc lò đốt: một ở Naivasha, một ở Nairobi. Cả hai chiếc lò đều mở rộng cửa cho người dân, thậm chí cả công ty trong vùng đến đun nấu. Nhưng nguồn nhiệt không phải vô tận nên muốn được đun nấu, họ vẫn phải đăng ký trước.
Tuy phải xếp hàng chờ đợi, nhưng chẳng ai than phiền. Bởi với họ, vừa có thể nấu thức ăn vừa giảm ô nhiễm mỗi trường đã là quá đủ rồi.