Hương vị Tết ở ngôi làng làm giò nây tại Thái Bình

Nguyễn Xuyến-Thứ năm, ngày 09/01/2025 09:05 GMT+7

VTV.vn - Đặc sản giò nây là món ăn truyền thống ẩn chứa những nét tinh hoa ẩm thực của người dân Thái Bình, được ưa chuộng và không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người dân làng nghề làm giò chả truyền thống tại xã Vũ Đông (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) lại bắt đầu hối hả chuẩn bị hàng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết.

Nổi tiếng khắp vùng, không chỉ bởi giò ngon, mà giò Vũ Đông có những đặc sắc riêng. Trong đó giò nây là món ăn được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết.

Hương vị Tết ở ngôi làng làm giò nây tại Thái Bình - Ảnh 1.

Bó giò chắc và đều tay, đòi hỏi công đoạn buộc dây người bó giò phải dùng sức để kéo dây cho chặt lại.

Giò nây (hay còn gọi là giò cuốn, giò mỡ) được làm từ thịt lợn nhưng có cách chế biến đặc biệt hơn. Thay vì xay nhuyễn thịt, người dân lại sử dụng miếng thịt lợn còn nguyên tảng lớn, giữ lại lớp bì rồi mới đem ướp gia vị và gói.

4 đời làm nghề giò, chả, ông Trần Quang Khải (thôn Đình Phùng) cho biết: “Món giò nây tuy dân dã nhưng đòi hỏi quá trình chế biến kỳ công, tỉ mỉ. Thịt làm giò là nguyên miếng thịt ba chỉ tươi, có những lớp thịt mỡ, thịt nạc xen kẽ nhau. Ngoài ra, phần sụn của tảng thịt được giữ nguyên để tăng thêm độ giòn ngon và ngậy cho miếng giò”.

Hương vị Tết ở ngôi làng làm giò nây tại Thái Bình - Ảnh 2.

Lá chuối dùng để bó giò cuốn là lá chuối tây.

Cũng theo ông Khải, để làm được những bó giò nây ngon, nhất định phải có tiêu bắc. “Các loại gia vị như bột canh, mì chính, tiêu bắc, thảo quả... sẽ được rắc đều lên mặt tảng thịt ba chỉ. Trong đó, chúng tôi quan niệm, gói giò nây mà không có tiêu bắc, mùi vị sẽ không ngon nữa. Để khoảng 10 - 20 phút cho thịt ngấm đều sẽ đem bọc trong lá chuối, cuộn chặt lại và cố định bằng dây”, ông Khải nói.

Theo những người làm giò nây lâu năm, công đoạn gói giò rất quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo. Giò phải được cuốn chặt tay, đảm bảo các thớ thịt dính chặt vào nhau để thành phẩm khi ra lò không bị rời rạc nguyên liệu, ảnh hưởng đến hương vị và tính thẩm mỹ của món ăn.

Hương vị Tết ở ngôi làng làm giò nây tại Thái Bình - Ảnh 3.

Giò khi luộc sẽ được đổ ngập nước.

Giò sau khi bó xong được tiến hành luộc trong khoảng thời gian 2,5 đến 3 tiếng với mức lửa vừa phải để giữ nhiệt, giúp phần thịt bên trong chín đều.

Hương vị Tết ở ngôi làng làm giò nây tại Thái Bình - Ảnh 4.

Khi giò nây chín, vớt ra khỏi nồi, chờ nguội rồi ép chặt như bánh chưng để giò ráo nước và săn hơn, giúp các nguyên liệu bên trong càng thêm dính quyện vào nhau.

Ở Thái Bình, món giò nây thường được dùng để tiếp đãi khách quý và góp mặt trong thực đơn giỗ chạp, đám cưới ở địa phương, nhất là dịp đầu năm.

Mỗi kg giò nây có giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng, ngày Tết có thể cao hơn do nhu cầu của khách tăng cao và giá cả nguyên liệu, thực phẩm trên thị trường cũng có sự thay đổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước