Đến núi Cấm mùa mưa sa, giữa bạt ngàn thảm thực vật phong phú phân bố thành từng tầng khác nhau, đâu đó có những sản vật quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Với chiều cao khoảng 716m so với mực nước biển, Thiên Cấm Sơn, tức Núi Cấm ở thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang không chỉ là ngọn núi cao nhất dãy Thất Sơn, mà còn cao nhất cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngọn núi được mệnh danh là "nóc nhà miền Tây" nổi tiếng với các loại rau rừng, thảo dược trứ danh.
Thiên Cấm Sơn mùa sa mưa, cũng là mùa rau rừng dược liệu sinh sôi nảy nở.
Sinh trưởng ở vùng núi cao có khí hậu trong lành, hấp thụ những tinh hoa của đất trời và không hề bị tác động bởi hóa chất, các loại rau rừng, thảo dã ở Thiên Cấm Sơn được đánh giá là rau sạch, an toàn. Mỗi loại rau có hình dáng, mùi, vị, màu sắc riêng biệt. Theo người dân địa phương, mỗi loại rau đều là một vị thuốc tốt cho con người. Chẳng hạn như lá lốt trị đau khớp, đầy hơi, khó tiêu, giải độc; củ tam thất bổ máu, chống căng thẳng; đọt bứa giúp giảm cân, ngừa mỡ máu; ngành ngạnh thanh nhiệt, giải độc…; đọt sầu đâu, lá giang, lá bình bát, lá chúc… vừa kích thích vị giác, vừa tốt cho tiêu hóa, mang hương vị đặc trưng mà ai đã từng nếm thử một lần sẽ nhớ mãi.
Vồ Ông Bướm – một trong những khu vực mọc nhiều cây dược liệu được phép khai thác tại Thiên Cấm Sơn.
Nghề hái rau rừng dược liệu được xem là nghề nguy hiểm và không phải ai cũng làm được. Tuy không cần thức khuya dậy sớm nhưng công việc này đòi hỏi người đi hái rau phải thuộc đường rừng như thuộc lòng bàn tay. Bởi, trong mùa mưa sa, đường lên núi vào buổi sáng luôn phủ lớp sương mù che dày lối đi, rất dễ lạc. Khi lên đến những vị trí có rau rừng dược liệu, người bẻ rau, hái thuốc phải leo lên những ngọn cây thẳng đứng phủ rêu trơn trượt.
Những tảng đá ở Thiên Cấm Sơn thách thức người thợ theo nghề thu hoạch sản vật của chốn núi thiêng.
Đặc điểm địa hình ở núi Cấm có rất nhiều đá tảng kích thước lớn xếp chồng lên nhau, nên muốn thu hoạch thì phải có sức khỏe và kỹ năng leo trèo tốt. Lúc trèo cây cần bám thật chắc, dựa vào kinh nghiệm để tìm ra những loại rau có ích. Chỉ cần một chút sơ sẩy thì kể cả người hái rau có thâm niên cũng rất dễ té ngã, dẫn đến gãy xương, thậm chí mất mạng.
Cây răng me (theo cách gọi của người địa phương) là dược liệu hiếm gặp. Cây có tính hàn, giúp trị đau mỏi, nóng rát và được khách sành ăn ưa thích vì hương vị bùi, chát, nhẫn nhưng hậu vị ngọt ngào.
Nghề hái rau rừng đầy thử thách, hiểm nguy chứ không hề đơn giản. Tuy nhiên, chỉ cần cẩn thận, chịu khó, kiên nhẫn đúc kết kinh nghiệm, người thu hái rau rừng dược liệu có thể kiếm đồng ra đồng vào mỗi ngày. Mỗi ngày, một người hái được khoảng 30kg nhiều loại rau, dược liệu khác nhau. Chỉ có điều, trong mùa mưa, rau rừng tươi ngon, phong phú nhưng giá thu mua lại rẻ hơn mùa khô.
Có khoảng trên 20 loài dược liệu phổ biến được khai thác làm rau sống, trở thành sản vật trong ẩm thực ở Núi Cấm.
Những quán ăn ở dưới chân núi Cấm luôn đông khách tìm đến thưởng thức món ăn đặc biệt của vùng núi này.
Quán xá phục vụ bánh xèo rau rừng dược liệu được thực khách hành hương ưa thích.
Sau mỗi cuộc hành trình trên núi Cấm, những bó rau tươi ngon thấm đẫm linh khí đất trời sẽ được các chủ quán bánh xèo trong vùng thu mua, chế biến thành món ngon phục vụ cho thực khách đến hành hương, vãn cảnh. Dần dần, các món ăn chế biến kèm với dược liệu thảo dã đã trở thành đặc sản nổi tiếng của nơi đây, được lữ khách ưa chuộng vì rau rừng tươi ngon, lại tốt cho sức khỏe.
Việt Nam có nguồn tài nguyên cây thuốc rất phong phú, đa dạng với trên 5.000 loài. Mỗi địa phương lại có hệ thống cây đặc hữu mang bản sắc vùng miền. Đây là nguồn nguyên liệu quý để nghiên cứu, tìm ra các hoạt chất mới, công dụng mới phục vụ sản xuất dược phẩm.
(Theo Viện Dược liệu, Bộ Y tế)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!