Tôi sinh ra ở một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, gia đình mấy đời làm nông, quanh năm gắn bó với ruộng, đồi. Ông nội dựng vợ gả chồng cho các con đều ở quanh làng, nên tôi được gần ông bà, các bác và chú thím từ nhỏ. Như nhiều đứa trẻ khác, tình cảm gia đình đã nuôi tôi khôn lớn suốt những năm tháng tuổi thơ và là điểm tựa cho tôi trưởng thành đến mãi sau này. Nhưng bởi tôi sinh ra từ làng, nên tình cảm ấy có gì đó khác lắm. Đó đôi khi là sự đủ đầy, vẹn nguyên vượt lên trên cả sự thiếu thốn về vật chất.
Tôi trở về nhà sau những tháng ngày ở thành phố xô bồ, để cảm nhận rõ hơn vị Tết quê. Sáng ngày 28, ông nội và mấy đứa trẻ tập trung ở nhà bá để gói bánh chưng. Khu vực tôi gọi chị của bố, mẹ là "bá", khác với nhiều nơi. Năm nào cũng thế, nhà tôi đều mua bánh vì sự tiện lợi, nhưng bá bảo: "Mỗi năm chỉ có một lần Tết. Gói bánh chưng để trẻ con học cách gói, cũng là để nhắc chúng nó về vị Tết xưa."
Bá là người tôi thương trong gia đình. Người bá nhỏ nhắn, gầy guộc, nhưng là người giỏi việc đồng áng và việc nhà. Bá vất vả đã nhiều năm, nếu không muốn nói là bá khổ. Vậy mà lúc nào bá cũng chiều con cháu. Nghe con trai bá kể, bá đã tất bật chuẩn bị đồ gói bánh từ ngày 27 Tết, tờ mờ sáng ngày 28 đã lục đục với gạo, đỗ và mấy thứ nguyên liệu lỉnh kỉnh.
Bá chia sẻ cho chúng tôi: "Gạo dùng để gói bánh chưng là gạo nếp, ngâm từ 10 đến 12 tiếng. Còn đỗ là đỗ xanh đãi vỏ, ngâm từ 4 đến 5 tiếng. Thịt thì sử dụng thịt mỡ, khổ dày. Cả gạo, đỗ và thịt đều phải trộn thêm chút muối trắng và chút tiêu để tạo vị, tạo mùi."
Bá tôi tâm niệm: "Gói bánh chưng để gói vị Tết bình yên ở nhà."
Chúng tôi trải bạt ra sân, ngồi nghe ông nội hướng dẫn buộc lạt, xếp lá, gói bánh và hỏi ông những câu chuyện xưa. Mùi khói bếp và mùi củi ngai ngái tỏa ra. Cành đào chưa nở hết. Ánh nắng len lỏi qua những tán cây vải và lọt vào mái tôn. Những đứa trẻ lóng ngóng không biết bắt đầu từ đâu. Tất cả tạo nên một phần của hương vị Tết quê nhà, một phần của sự sum họp, đoàn viên…
Em bé nhất nhà tò mò về chiếc lá chít ông đang cắt và xé một chiếc lá ra để "khám phá".
Ông dạy cháu nội buộc lạt.
Ông bảo: "Buộc lạt thì phải buộc giấu đầu, khi chằng bánh mới đẹp. Gói bánh dài thì thân phải tròn nhưng đầu vẫn phải vuông vắn. Còn gói bánh vuông thì bốn góc phải cân đối và trông như 90 độ." Nhưng thực tế, con cháu của ông thì chẳng ai làm được như vậy. Chúng tôi cũng phục "tài năng" gói bánh của ông và năm nào cũng nghe bá ngậm ngùi: "Ông dạy bao nhiêu năm mà vẫn chưa thể làm được như ông."
Đôi tay đậm màu thời gian và nhuốm màu vất vả của ông.
Năm nay là lần đầu hai đứa em của tôi gói bánh, những năm trước chỉ phụ người lớn thôi. Em Kiên thủ thỉ: "Bánh chưng không khó gói lắm nhỉ? Chỉ cần xếp lá, cho gạo, đỗ, thịt mỡ rồi lại cho đỗ, gạo và gói lại là xong. Nhưng phải cẩn thận ở công đoạn buộc bánh, không thì lá sẽ bị rách."
Em Kiên học gói bánh từ mẹ của mình.
Chúng tôi cùng gói những chiếc bánh dài, ngắn khác nhau và chẳng cái nào giống cái nào. Nhưng không ai trong chúng tôi bị mắng, vì bá tâm niệm: "Gói bánh là phải học. Người thợ gói đẹp do họ quen tay. Mỗi năm các con chỉ gói một lần nên gói không đẹp cũng không sao. Miễn là các con cảm thấy vui và thích."
Thành quả được đặt trong chiếc nia cũ, dưới nắng vàng ở quê hương.
Đây là năm đầu tiên em Kiên gói bánh chưng, nhưng ai cũng khen em khéo.
Càng về trưa, nắng càng vàng đậm. Sau mấy ngày gió rít, trời hanh, hôm nay mới có nắng. Cái ấm áp của đất trời như khiến vị Tết của gia đình chúng tôi "ấm" hơn, dẫu rằng Tết đến là tốn kém đủ thứ tiền. Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được, mẹ đã làm cách nào để chúng tôi luôn có một cái Tết đủ đầy: quần áo mới, bánh chưng nhân thịt, những món ngon, những loại kẹo xịn,... Chúng tôi cũng không bao giờ biết được, đằng sau những chiếc bánh chúng tôi gói hôm nay là sự chật vật, đắn đo, lo toan của bá biết bao nhiêu ngày đằng trước.
Nồi bánh chưng được luộc trong căn bếp củi đã gắn bó với nhà bá mấy chục năm.
Bá muốn chúng tôi gói bánh hằng năm không phải bởi bá tiếc vài trăm nghìn cho năm, bảy chiếc bánh. Mà bá muốn chúng tôi níu giữ vị "nhà", vị quê, vị Tết. Bởi sau này, ai cũng sẽ đi xa...như bà nội của chúng tôi đã "đi xa" mãi mãi rồi…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!