Gìn giữ thanh âm nghề mộc Phúc Lộc

Nguyễn Xuyến-Thứ bảy, ngày 06/01/2024 10:30 GMT+7

VTV.vn - Chứa đựng nét đẹp tinh hoa và đậm đà bản sắc dân tộc, làng nghề mộc Phúc Lộc (TP. Ninh Bình) đang ngày càng phát triển, tạo được việc làm ổn định cho người dân địa phương.

Nằm cách trung tâm TP. Ninh Bình 2km về phía Đông Nam, làng Phúc Lộc nổi tiếng với nghề mộc truyền thống. Từ thời Đinh Lê, người thợ Phúc Lộc đã sáng tạo ra các sản phẩm mộc với những nét chạm trổ tinh xảo phục vụ cho việc làm nhà thờ, đền, đình, chùa.

Trải qua thời gian, từ nghề truyền thống của cha ông, dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của những người thợ mà nghề mộc ở Phúc Lộc đang ngày càng phát triển. Những sản phẩm tinh xảo, sắc nét của làng nghề được khách hàng được lan truyền đi khắp nơi như Thanh Hóa, Nghệ An…và trở thành làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Bắc Bộ.

Gìn giữ thanh âm nghề mộc Phúc Lộc - Ảnh 1.

Sức sống của làng nghề mộc Phúc Lộc chính là tình yêu, niềm đam mê và tâm huyết của những con quê hương với nghề truyền thống của cha ông để lại.

Là một trong 6 nghệ nhân của làng, ông Phạm Ngọc Vũ nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc gỗ lũa. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề truyền thống, với đôi bàn tay khéo léo, ông đã tạc lên hàng trăm bức tượng lớn nhỏ ở khắp các di tích lịch sử, đền làng.

"Kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, tôi rút ra bài học, chỉ có sản phẩm điêu khắc tạo ra từ gỗ lũa là có giá trị cao, được nhiều khách hàng lựa chọn nhất. Vì thế, tôi đã chọn điêu khắc gỗ lũa làm hướng đi mới cho mình", ông Vũ nói.

Gìn giữ thanh âm nghề mộc Phúc Lộc - Ảnh 2.

Ông Phạm Ngọc Vũ đã hơn 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn rất cần mẫn với nghề điêu khắc gỗ lũa.

Trải qua các công đoạn chọn gỗ, phác thảo bố cục, đục thô và chạm tinh, những nguyên liệu như gốc cây, thân cây được ông Vũ chế tác thành những sản phẩm điêu khắc có kỹ thuật, tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao.

Gìn giữ thanh âm nghề mộc Phúc Lộc - Ảnh 3.

Đôi bàn tay tài hoa của người thợ già vẫn miệt mài biến những khúc gỗ vô tri thành sản phẩm nghệ thuật giá trị cao.

"Để có một tác phẩm hoàn hảo, người thợ ngoài kinh nghiệm và đầu óc sáng tạo còn phải gửi gắm tâm hồn vào đó. Phải xem tác phẩm là đứa con tinh thần, toàn tâm toàn ý thổi hồn cho chúng", ông Vũ cho biết thêm.

Gìn giữ thanh âm nghề mộc Phúc Lộc - Ảnh 4.

Làng mộc Phúc Lộc chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng và mỹ nghệ bằng gỗ.

Sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc nên từ bé những dụng cụ như đục, chạm, bào, khoan đã có sức hút kỳ lạ với anh Phạm Văn Thêm. Dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của mình, anh Thêm đã thổi hồn cho những sản phẩm gỗ mỹ nghệ thực sự tinh xảo, kỳ công và độc đáo.

"Để đảm bảo chất lượng, chúng tôi luôn chọn lọc những loại gỗ có chất lượng cao, không cong vênh, nứt nẻ nhưng phải đảm bảo độ dẻo mịn, dễ chạm khắc và đánh bóng. Làng nghề mộc Phúc Lộc cũng đã hướng đến mở rộng sản xuất các mặt hàng dân dụng như giường, tủ, bàn, ghế, sa lông, cửa, chấn song, tay vịn cầu thang bằng gỗ và hàng trang trí nội thất…để đáp ứng nhu cầu của thị trường", anh Thêm nói.

Gìn giữ thanh âm nghề mộc Phúc Lộc - Ảnh 5.

Người thợ ứng dụng máy móc vào sản xuất.

Cũng theo anh Thêm, vào dịp cuối năm, sức mua của người dân tăng cao nên xưởng của gia đình anh đang tất bật chạy đua cùng thời gian để kịp cung ứng cho thị trường Tết.

"Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất từ tháng 10 âm lịch trở đi bởi cuối năm, nhu cầu mua sắm, trang hoàng nhà cửa đón Tết của người dân tăng cao. Những ngày này, khắp làng nghề lúc nào cũng nhộn nhịp, tất bật. Đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách cách vang lên, tạo thành âm thanh hối hả. Mỗi người một việc từ những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao đến những bước vệ sinh cuối cùng trước khi giao tới khách hàng", anh Phạm Văn Thêm chia sẻ.

Gìn giữ thanh âm nghề mộc Phúc Lộc - Ảnh 6.

Làng nghề tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Làng mộc Phúc Lộc đang đà khởi sắc đi lên và ngày càng khẳng định vị thế bằng chính những thay đổi tích cực mà làng nghề đem lại cho địa phương. Với hơn 400 hộ sản xuất, làng nghề mộc Phúc Lộc đang giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 1000 lao động với thu nhập ổn định.

"Làng nghề mộc Phúc Lộc không chỉ đem lại việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân mà nhìn từ góc độ văn hoá làng nghề này còn đang truyền tải các bản sắc, những cái giá trị về văn hoá, lịch sử của miền quê vào những sản phẩm", bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình chia sẻ.

Trong những năm gần đây, TP. Ninh Bình đã quan tâm xây dựng quy hoạch khu làng nghề tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh tiếng ồn trong khu dân cư.

Đặc biệt từ năm 2016, làng Phúc Lộc được UBND tỉnh công nhận làng nghề với các sản phẩm chính là sản xuất gỗ mỹ nghệ truyền thống. Từ đây đã tạo động lực cho những người con của làng nghề chuyên tâm hơn trong việc lưu giữ và phát huy giá trị, tinh hoa mà cha ông để lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước