"Giải mã cuộc sống": Tết "Pây tái" độc đáo của người Tày, Nùng

Hà Linh (Theo Ban Khoa Giáo)-Thứ sáu, ngày 13/10/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Tết "Pây tái" của người Tày, Nùng thể hiện tinh thần của đạo hiếu sâu sắc và truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Người Cao Bằng có câu: "Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy, Tết tháng Bảy hẹn từ tháng Giêng". Đây là hai cái Tết quan trọng nhất của người Tày, Nùng nói chung và càng đặc biệt ý nghĩa với người Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trong những ngày Tết này, người phụ nữ cùng chồng và con cháu mình trở về ngoại để tự tay chăm sóc cho cha mẹ đẻ, sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà, tổ tiên. Người Tày, Nùng gọi đây là "Pây trường tái" hay còn gọi là "đi tái" trong Tết "Pây tái".

Người Tày, Nùng quan niệm rằng người phụ nữ sau khi đi lấy chồng quanh năm phải cùng chồng, con lo toan việc làm ăn và phải quán xuyến hương khói, thờ phụng ông bà, tổ tiên bên nhà chồng. Vì vậy, ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng Bảy là dịp người phụ nữ cùng chồng con trở về nhà bố mẹ đẻ để chăm sóc, báo hiếu cha mẹ và tạ ơn ông bà, tổ tiên.

Giải mã cuộc sống: Tết Pây tái độc đáo của người Tày, Nùng - Ảnh 1.

Với đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng, quanh năm gần như tháng nào cũng có Tết, mỗi ngày lễ Tết đều có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau, hàm chứa những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc và mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, Tết "Pây tái" với người Cao Bằng lại vô cùng quan trọng. Nó thể hiện tinh thần của đạo hiếu sâu sắc và truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Vì thế, cứ đến Tết "Pây tái", người người đi tái, nhà nhà đi tái tạo nên một ngày lễ vô cùng độc đáo, ấn tượng và đặc sắc ở Cao Bằng. 

Với người miền xuôi, rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ hay còn gọi là ngày Xá tội vong nhân, người ta thường làm cỗ cúng gia tiên và ăn chay nhẹ. Còn với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, rằm tháng Bảy - lễ "Pây tái" là một trong hai cái Tết quan trọng nhất của năm và dù sống ở bất kỳ nơi đâu, họ cũng không bao giờ quên tục đi tái.

Theo Tiến sĩ Triệu Thị Kiều Dung, "Pây tái" là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày, Nùng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào nói về Tết "Pây tái" có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Thế nhưng cứ ngày mùng 2 Tết và rằm tháng Bảy, con cái sẽ mang theo lễ vật bao gồm bánh kẹo, hoa quả, rượu, bánh gai, bánh rợm cùng con gà trống thiến hoặc cặp vịt béo về nhà ngoại ăn Tết.

Giải mã cuộc sống: Tết Pây tái độc đáo của người Tày, Nùng - Ảnh 2.

Những lễ vật con cái mang tới biếu nhà ngoại trong dịp lễ Tết "Pây tái".

Trong khoảng từ mùng 10 đến 14 tháng Bảy hàng năm, nếu đi bất cứ chợ nào ở Cao Bằng, chúng ta sẽ thấy hàng hóa chủ yếu là vịt. Người mua luôn xách về ít nhất một đôi, dù to hay nhỏ. Đây chính là món lễ vật không thể thiếu trong phong tục đi tái. Những con vịt mà các chàng rể mua biếu bố mẹ vợ thường là số chẵn, buộc thành cặp và chủ yếu là những con vịt cái, béo tốt, khỏe mạnh.

Cũng theo Tiến sĩ Triệu Thị Kiều Dung, trong truyền thuyết của người Tày, Nùng, vịt là vị sứ giả của người trần gian với người trời nên được coi là con vật thiêng. Con vịt có công cõng gà trống vượt biển, đi cống xứ mường trời vào ngày rằm tháng Bảy hàng năm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho người nông dân. Vì thế, trong dịp lễ này, người con gái sau khi lấy chồng sẽ cùng chồng con mang một đôi vịt về để làm lễ "Pây tái" tại nhà bố mẹ đẻ với mong muốn cầu cho gia đình bố mẹ được mọi sự tốt lành, may mắn.

Mâm cỗ cúng ngày lễ "Pây tái" mang ý nghĩa chung là cầu mong sức khỏe, bình an đến với gia đình, thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Bên cạnh bát gạo, bát muối và một vài món ăn khác nhau, không thể thiếu những con vịt quay và những chiếc bánh gai, bánh mật, bánh rợm. Trong đó, bánh gai là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày rằm tháng Bảy. Bánh gai là một món bánh ngon, nổi tiếng bởi sự cầu kỳ trong khâu nguyên liệu cũng như cách thức làm bánh.

Có thể nói, Tết "Pây tái" không chỉ là phong tục tập quán độc đáo mà còn là nét văn hóa đặc sắc, tôn vinh đạo hiếu, truyền thống "uống nước nhớ nguồn" và mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc của đồng bào Tày, Nùng của tỉnh Cao Bằng. Vì thế, "Pây tái" luôn được người dân Cao Bằng gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua đó góp phần bảo tồn sự phong phú bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam ta.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước