Người Việt Nam tự tay chặt tre vót đũa dường như là một thói quen đã tồn tại từ thuở sơ khai. Từ cây tre, người ta có thể làm được nhiều loại đũa từ đũa ăn hàng ngày cho đến những đôi đũa cả, hay có cải tiến hơn đôi chút đó là đôi đũa nấu.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, cách ăn bằng đũa của người Việt mô phỏng theo cách ăn của chim Lạc trên trống đồng - một loài chim đặc trưng và là vật tổ của các nền văn hóa, văn minh lúa nước. So với đũa của các quốc gia khác thì đôi đũa Việt Nam có độ dài vừa phải và có thêm đôi đũa cả. Đôi đũa không chỉ là một vật dụng, mà mang trong nó là cả triết lý sống, tình nghĩa gia đình:
“Đôi ta làm bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”.
Đôi đũa còn là hình tượng ẩn dụ về tính đoàn kết, là sức mạnh nội lực, thể hiện truyền thống yêu trẻ kính già của người Việt. Tục lệ trong mỗi bữa cơm trong gia đình Việt, người nhỏ tuổi nhất thường có nhiệm vụ so đũa cho cả gia đình và trước tiên phải so đũa cho người lớn tuổi nhất nhà, hoặc cho khách quý của gia đình, sau đó mới lần lượt đưa cho từng thành viên trong gia đình. Khi ăn, người lớn tuổi cầm đũa thì người trẻ tuổi hơn cầm sau. Điều này như thể hiện sự tôn trọng, phép tắc giữa người trên - kẻ dưới trong mỗi gia đình.
Trải qua thời gian, mặc bao biến thiên của lịch sử, đôi đũa vẫn luôn hiện hữu trên mâm cơm của người Việt và trở thành một nét đẹp truyền thống trong ẩm thực Việt Nam.