Mới học lớp 3, Sơn Tùng đã có thể kể thành thạo tên các vị anh hùng gắn với những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc .
Bé Sơn Tùng (Hà Nội) hào hứng: "Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Lý Thường Kiệt đánh bại quân Tống xâm lược. Trần Hưng Đạo 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông. Con rất thích đọc các sách nhất là sách, truyện về lịch sử. Con thích nhất là đọc sách với bố mẹ".
Để Tùng yêu và hiểu sách, ngay từ nhỏ. Cứ mỗi tối, mẹ em lại dành khoảng 1 tiếng đồng hồ đọc sách cùng con, kể lại những chi tiết thú vị cho con nghe.
Chị Thi Hòa (Hà Nội) cho biết: "Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, hai mẹ con mình sẽ đọc sách cùng nhau, có điều gì con không hiểu, mẹ giải thích thêm. Tôi cũng hay hỏi cháu về những điều cháu đọc được để nhớ lâu và vận dụng được vào cuộc sống".
Thói quen tưởng như đơn giản này lại đem đến những thay đổi tích cực, vừa giúp trẻ hứng thú hơn với việc đọc sách, vừa tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng: "Việc cha mẹ đọc sách cùng con không chỉ là nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con, mà còn là sự kết nối. Từ cách trò chuyện với con hay giọng đọc của cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển về ngôn ngữ, khiến cho khoảng thời gian mà con ở bên cạnh nằm trong lòng cha mẹ sẽ giá trị vô cùng, nuôi dưỡng đứa trẻ đó lớn lên một cách rất hạnh phúc".
Theo thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), bình quân mỗi năm một người Việt đọc 2,8 cuốn sách. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo các chuyên gia, xây dựng thói quen đọc sách từ sớm, việc đọc sẽ trở thành nhu cầu tự nhiên của trẻ, từ đó hình thành nên nhiều thế hệ độc giả trân quý và yêu sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!