Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, hội tụ của nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó phải kể đến các nhạc cụ của đồng bào nơi đây. Bên cạnh những nhạc cụ phổ biến như cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng, hay đàn Đinh Năm, Đinh Pút, còn có một nhạc cụ độc đáo khác còn chưa được nhiều người nhắc đến, đó là cây đàn Goong.
Để chơi Goong, người ta chống gốc đàn vào bụng, hai bàn tay vừa đỡ thân đàn, vừa dùng ngón để gảy, âm thanh đàn Goong được truyền từ dây qua thân đàn đến bầu cộng hưởng. Âm thanh ấy, như cách nói của đồng bào nơi đây, lúc rạo rực như tiếng chim Chơ Rao, da diết như con thú hoang gọi bầy, lúc êm đềm như buổi chiều Tây Nguyên dần tắt nắng, hiền dịu như róc rách suối chảy.
‘ Đàn Goong - nét văn hóa đặc sắc của người dân Tây Nguyên. (Ảnh minh họa)
Cũng bởi âm thanh đa dạng ấy mà đàn Goong được các chàng trai sử dụng để chơi độc tấu hoặc cũng có thể dùng để đệm cho nhau hát.
Chị Rơ Châm Phưk, xã Ia Ka, Chư Păh, Gia Lai chia sẻ: “Cứ nghe tiếng đàn Goong là muốn hát, thích hát vì rất thích tiếng đàn Goong. Hát mà có tiếng đàn Goong thì hay hơn rất nhiều. Những dịp này, mình thường hát những bài hát mừng lúa mới, mình phấn khởi, có lúa nhiều, năm mới phát đạt trong gia đình, hát gọi họ hàng về để mừng cùng gia đình”.
Là một nhạc cụ mộc mạc, đơn sơ nhưng cũng đầy chất lãng mạn như cái đức tính của chính con người Tây Nguyên, những giai điệu của đàn Goong qua đôi tay của các chàng trai lúc mềm mại, lúc rạo rực còn là phương tiện để họ nói thay tâm sự, cảm xúc của mình dành cho cô gái.
Khi đã bắt được cái tình tứ ấy, tiếng đàn Goong lại trở thành nhịp điệu để họ biểu lộ tâm tư, tình cảm qua những câu hát đối nhau. Biết bao đôi lứa ở Tây Nguyên này qua âm thanh, qua những câu hát ấy mà hiểu nhau, rồi kết duyên với nhau.
Anh Đinh Chram, xã Tơ Tung, K’Bang, Gia Lai cho biết: “Lúc đến Tết, ăn Tết, con gái thanh niên đi chơi nước, họ hát hò, cả Goong nữa, con gái nữa. Nhiều người đi là vui lắm. Con trai đánh Goong, con gái hát là yêu được nhau đấy”.
Với âm vang, rộn ràng, tiếng đàn Goong cũng không thể thiếu trong những dịp vui, dịp lễ hội của đồng bào nơi đây. Những dịp thế này các chàng trai còn “đấu” đàn Goong với nhau, theo cách gọi vui của đồng bào nơi đây. Gọi là đấu nhưng thực ra là họ chơi thi với nhau xem ai chơi to hơn, âm thanh vang hơn, giai điệu hay hơn.
Cứ như thế, trong hơi men chếnh choáng của ché rượu cần, tiếng đàn Goong càng vang, rộn rã hơn từ sự cộng hưởng của hai, ba người chơi. Tiếng Goong đã tạo nên niềm vui, sự hứng khởi, đã cố kết mọi người lại gần nhau hơn, tạo nên không khí mùa xuân, không khí lễ hội của cả buôn làng, của cộng đồng Tây Nguyên.