Để du lịch thực sự bền vững

Giang Châu-Thứ năm, ngày 12/12/2024 05:58 GMT+7

VTV.vn - Du lịch bền vững là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Tuy nhiên, mọi hoạt động du lịch sẽ đều mang đến những tác động vô hình cho môi trường tự nhiên.

Du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững là những cụm từ khóa được nhiều người quan tâm và tìm hiểu trong bối cảnh nhu cầu du lịch ngày càng cao, thiên nhiên đang dần cạn kiệt tài nguyên, môi trường ngày càng ô nhiễm. Vậy thế nào là du lịch bền vững, làm thế nào để hiểu và thực hiện đúng theo xu hướng này.

Trước tiên, cần phải xác định rõ, đã là du lịch thì chắc chắn sẽ tác động đến nơi ta đến, dù ít hay nhiều (ảnh hưởng đến hệ sinh thái, văn hóa, con người, môi trường…), còn bền vững có nghĩa là duy trì cái hiện có. Vậy du lịch bền vững là việc chúng ta hạn chế tác động hết mức có thể kết hợp với việc bảo tồn, duy trì những giá trị hiện có.

Bền vững với sinh thái – môi trường

Mỗi bước đi, mỗi hơi thở của chúng ta đều có những ảnh hưởng nhất định đến hệ sinh thái xung quanh. Sự tác động này còn được gọi với thuật ngữ “gánh nặng vô hình - invisible burden”, để từ đó tính ra sức chứa tối đa mà một khu vực sinh thái có thể phục vụ được. Nếu chỉ tập trung vào doanh số thì sẽ vượt quá khả năng phục vụ, ăn uống, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên thì hệ sinh thái sẽ khó có khả năng phục hồi​. Vì vậy, đơn vị tổ chức các hoạt động du lịch cũng cần lưu tâm về số lượng khách, những lưu ý mà khách cần phải làm để bảo vệ môi trường. Anh Phạm Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Những bước chân xanh chia sẻ: “Bên mình chỉ nhận những khách hàng thực sự yêu thiên nhiên, bởi có những điểm du lịch đang còn nguyên sơ nếu phải chịu nhiều sự tác động không phù hợp của con người sẽ không còn đẹp như bây giờ nữa. Còn những ai thực sự tôn trọng và muốn bảo vệ thiên nhiên sẽ xứng đáng nhận được những cảm giác tuyệt vời mà thiên nhiên mang lại”.

Để du lịch thực sự bền vững - Ảnh 1.

Du lịch bền vững cần những người làm du lịch có tâm và có tầm. (Ảnh: Green Steps - Những bước chân xanh)

“Đến và đi không dấu vết” hay “Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân, không giết gì ngoài thời gian” là những khẩu hiệu dễ thương của các bạn trẻ hiện nay. Nhiều nhóm khách khi trở về thiên nhiên đã có hành động nhặt rác không chỉ của mình mà còn rác của người khác để lại. Những việc tử tế ấy không làm sạch môi trường được mãi mãi, nhưng lại có tác động lan tỏa thông điệp “đừng để lại rác” cho người xung quanh.

Bền vững về văn hóa và con người

Sự phát triển du lịch bên cạnh việc tạo thu nhập cho người dân khu vực, địa phương còn có thể kéo theo đó một số hệ luỵ xấu, ví dụ như nạn xin ăn, chèo kéo khách, cạnh tranh không lành mạnh, bán hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc dịch vụ kém…. Chính vì thế, du lịch bền vững thể hiện ở chỗ chúng ta tôn trọng và hòa nhập với văn hóa địa phương, con người nơi ta đến, hạn chế tối đa việc thay đổi theo ý thích cá nhân hoặc sử dụng, yêu cầu những hành vi vi phạm pháp luật.

Thay vì du lịch đơn thuần là về với thiên nhiên, một loại hình khác là du lịch bảo tồn cũng đang được chú trọng, để mỗi chuyến đi không chỉ thỏa mãn du khách, mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng. Du lịch hướng về bảo tồn khác với du lịch thiên nhiên là tập trung vào chia sẻ lợi ích thay vì tối đa hóa lợi nhuận. Đặc biệt là chia sẻ với địa phương, thúc đẩy cộng đồng đang khai thác nguồn lợi từ rừng tham gia vào việc bảo tồn, bảo vệ, nhận lợi ích từ rừng lâu dài, bền vững hơn.

Anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công Ty TNHH WANEE Vietnam, cũng là một trong số ít hướng dẫn viên tour xem chim tại Việt Nam chia sẻ: “Thay vì làm du lịch trekking thông thường, mình làm tour du lịch giáo dục cho trẻ hướng về bảo tồn, lồng ghép những câu chuyện, bài học ý nghĩa. Mình cũng cần giúp người dân hiểu rằng, thay vì săn bắt một con thú, con chim, thì việc bảo vệ chúng sẽ mang lại lợi ích kinh tế hơn nhiều. Bởi khi còn con chim quý sẽ thu hút được rất nhiều khách, đặc biệt những du khách nước ngoài thích chụp ảnh chim. Từ đó sẽ kéo theo sự tăng trưởng của các dịch vụ của địa phương”.

Để du lịch thực sự bền vững - Ảnh 2.

Nhiều nhiếp ảnh gia đến Việt Nam để chụp ảnh chim hoang dã. (Ảnh: WANEE Vietnam)

Để du lịch thực sự bền vững - Ảnh 3.

Trẻ thích thú khám phá thiên nhiên ở Cần Giờ. (Ảnh: WANEE Vietnam)

Bền vững trong quy hoạch – xây dựng

Du lịch bền vững phải được lập kế hoạch đa mục đích: lợi tức, môi trường và cộng đồng ngay từ khi bắt đầu, nhằm mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương, tôn trọng văn hoá, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, hướng dẫn du khách và cả cộng đồng địa phương. Trong kế hoạch này thường có sự tham gia của các bên liên quan, hướng tới địa phương nơi du khách sẽ tới. Các bên liên quan bao gồm các thành viên cộng đồng địa phương, chính quyền, tổ chức phi chính phủ cũng như ngành du lịch, du khách và nhiều nhóm khác. Tất cả cần phối hợp để tạo ra các tổ chức kinh doanh về du lịch bền vững nhằm đem lại các lợi ích địa phương và khả thi về mặt kinh tế. Đặc biệt các nguồn lợi tự nhiên, các giá trị văn hoá của vùng sẽ được bảo vệ để giảm thiểu các tác động xấu của du lịch, đồng thời còn đóng góp vào công tác bảo tồn và sức khoẻ của cộng đồng về cả mặt kinh tế và xã hội.

“Vay mượn Mẹ Thiên nhiên thì phải có trách nhiệm trả cả vốn lẫn lãi” – đó là tâm niệm của kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San khi xây dựng khu du lịch Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt tại huyện Diên Khánh, Khánh Hòa. Những gì ông đã và đang làm cho Làng Nhỏ được Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao bởi lòng nhiệt huyết từ trái tim và sự sáng tạo từ trí óc của mình. Theo ông San, để làm một khu du lịch thiên nhiên Bền vững phải có một bộ công cụ: 1) Tiêu chí quy hoạch tận dụng điều kiện tự nhiên, bám sát địa hình, hòa mình trong thiên nhiên sẵn có (nurture & smart); 2) Hạ tầng xanh tối đa hóa khả năng hoàn trả nước sạch cho đất, tận dụng hiệu quả năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động với môi trường (green infrastructure); 3) Phương pháp xây dựng không tác động với môi trường. Đặc biệt, tác động của con người phải rất cẩn trọng theo 3 quy tắc: tiết kiệm, hiệu quả, hoàn trả.

Để du lịch thực sự bền vững - Ảnh 4.

Những cây xanh được giữ đúng vị trí tự nhiên.

Để du lịch thực sự bền vững - Ảnh 5.

Du khách có thể tận hưởng thiên nhiên trên những chiếc võng ở Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt.

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, sau đại dịch COVID-19, du lịch xanh, du lịch chất lượng và du lịch đi vào những giá trị thiết thực cho con người, đảm bảo sự an toàn, có lợi cho sức con người, luôn luôn được đề cao. Xu hướng này đang tiếp tục là một trong những lựa chọn của khách du lịch. Vì vậy, nhà cung cấp dịch vụ, nhà quản lý đều hướng tới, đáp ứng nhu cầu này. Hiện nay chúng ta đang đối mặt với những thách thức như tình trạng mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là một điều tất yếu.

Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao cuộc sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước