Dạy trẻ hay dọa trẻ

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 24/04/2023 12:59 GMT+7

VTV.vn - Dạy trẻ hay dọa trẻ là chủ đề được bình luận trong chương trình Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 24/4.

Những ngày qua, một clip thị phạm dọa dẫm để trẻ ăn đã thu hút hơn 15 triệu lượt xem trên mạng xã hội, với hàng ngàn lượt bình luận. Nhiều ý kiến đã được đưa ra. Một số phụ huynh thích thú khi mở video cho trẻ xem. Bé sợ quá nên trở nên ngoan ngoãn, chịu ăn. Ngược lại, nhiều phụ huynh phản đối vì cho rằng đây là cách dọa dẫm, nạt nộ trẻ không nên khuyến khích, thậm chí gây ra nhiều tác dụng ngược.

Không phải bỗng dưng những clip dọa trẻ xuất hiện trên mạng. Nó xuất phát từ quan điểm dạy trẻ của không ít người là dọa cho sợ, để trẻ nghe lời, bởi điều đó nghĩa là trẻ ngoan. Bản chất của hành vi dọa dẫm là gây áp lực, buộc trẻ theo ý của người lớn, bất chấp việc trẻ có muốn hay có hiểu điều người lớn nói hay không. Những lời dọa dẫm khiến trẻ luôn trong trạng thái sợ sệt, thấp thỏm, sợ bóng tối, sợ ở một mình.

"Dùng nỗi sợ, sự xấu hổ để dọa và khuyến khích đứa trẻ thay đổi hành vi. Thế nhưng, vì tạo ra tâm lý tiêu cực cho các con, trong bối cảnh đứa trẻ đang ngày càng chịu nhiều áp lực nên càng sử dụng nỗi sợ, sự xấu hổ để dọa thì lợi bất cập hại, các con sẽ bị tổn thương nhiều hơn", PGS.TS Trần Thành Nam – Chuyên gia tâm lý giáo dục cho biết.

"Giờ người ta khuyến khích sử dụng những hình thức kỷ luật tích cực. Trọng tâm của kỷ luật tích cực là tìm và nhận ra điểm mạnh của con, động viên và khuyến khích con thực hiện hành vi theo mong muốn của cha mẹ, giúp con tự nhìn thấy năng lực của mình, cảm thấy vui khi chúng ta chinh phục được nhiệm vụ nhỏ nhỏ, làm động lực cho đứa trẻ có thể lặp lại hành vi trong lần sau. Đó mới là cách thức tốt", PGS.TS Trần Thành Nam cho biết thêm.

Một nghiên cứu của Liên hiệp phát triển tâm lý học đương đại Việt Nam chỉ ra rằng những hình ảnh, lời nói mang tính chất đe dọa cho một đứa trẻ chưa phát triển đầy đủ về tâm hồn và trí não có thể gây chấn thương tâm lý. Biểu hiện ở mỗi lứa tuổi đa dạng. Trẻ dưới 5 tuổi lộ vẻ sợ hãi thông qua việc mắc chứng từ dầm, khóc thẻ. Trẻ từ 6 đến 11 tuổi hay mất ngủ, gặp ác mộng, hoảng hốt, trầm cảm. Trẻ từ 12 trở lên có xu hướng ương bướng, chống đối và làm ngược lại những lời khuyên.

Mỗi người có quan điểm khác nhau trong nuôi dạy con trẻ, nhưng nguyên tắc chung là cha mẹ luôn bình tĩnh, kiểm soát tốt cảm xúc trong mọi tình huống. Với các trẻ mầm non hay tiểu học, các con chưa thể nói hết cảm xúc của mình. Nhưng với độ tuổi lớn hơn, những lời nói mang tính dọa nạt dễ gây ra sự xa cách giữa trẻ và bố mẹ, cần giúp trẻ cảm nhận thông qua thái độ của cha mẹ để làm trẻ hiểu thông qua lý lẽ mà cha mẹ giải thích, giúp trẻ nhận thức đúng và sai thông qua phân tích, từ đó có hành vi phù hợp. Để làm được điều này, cần quá trình dạy trẻ từ nhỏ đến lớn, kiên trì, tỉ mỉ và tận tụy. Có như vậy, việc giáo dục con trẻ mới mang lại hiệu quả bền lâu.

Trẻ con như búp trên cành, có nhiều cách để giúp một đứa trẻ thay đổi. Con đường an toàn và bền vững nhất chính là làm cho con hiểu và khiến con cảm thấy mình được yêu thương. Khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ, hiểu được lý do thực sự khiến cha mẹ đưa ra đề nghị nào đó với mình, thì sự thay đổi hành vi của trẻ mới thực sự diễn ra và có ý nghĩa tích cực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước