Đắk Lắk khai quật khảo cổ lần 3 di chỉ có tầng văn hoá dày nhất Tây Nguyên

PV-Thứ bảy, ngày 15/06/2024 06:48 GMT+7

Ảnh minh họa. Nguồn: daklak.gov.vn

VTV.vn - Di chỉ Thác Hai ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk chứa nhiều di vật giá trị.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định cho phép Bảo tàng Đắk Lắk khai quật khảo cổ lần thứ 3 tại Di chỉ Thác Hai ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Trong thời gian từ 22/6 - 30/7/2024, trên diện tích 50m2, quy mô khai thác gồm 2 hố tại di chỉ Thác Hai được phát hiện từ đầu năm 2020.

Trước đó, tại Di chỉ Thác Hai đã có 2 kỳ khai quật khảo cổ. Đợt khai quật tháng 3 và 4/2021 do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk tiến hành, các nhà khảo cổ đã thu thập được một khối lượng di tích, di vật phong phú như: rìu bôn đá, đồ gốm, đồ thủy tinh, mộ táng, hơn 1.000 mũi khoan đá các loại và hàng vạn mảnh tước nhỏ.

Cuộc khai quật lần thứ hai từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022 đã xuất lộ các di tích gồm mộ táng, cụm gốm, hố đất đen và nền đất cháy. Trong đó, 16 mộ táng, phong tục mai táng khá thống nhất, một số mộ chôn theo công cụ đá như rìu, đục, bàn mài, bàn đập vải vỏ cây; có mộ chôn theo đồ tùy táng là 42 hạt chuỗi thủy tinh màu xanh. Di vật thu được gồm đồ đá, đồ gốm và thủy tinh. Đồ đá là loại di vật chủ đạo ở Thác Hai, nhiều nhất là mũi khoan với 1.596 tiêu bản. Đồ gốm có bình, nồi, chum, vò, bát bồng… với nhiều kích cỡ. Đồ thủy tinh gồm 1.244 hạt chuỗi.

Các nhà khoa học cho rằng, Thác Hai là một di chỉ phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng và là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn. Kết quả khai quật còn cho thấy, di chỉ khảo cổ học Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng 3.500 năm trước Công nguyên cho đến khoảng 2.000 năm, tồn tại kéo dài trong khoảng thời gian hơn 1.000 năm, với hai giai đoạn phát triển sớm muộn khác nhau.

Giai đoạn sớm thuộc hậu kỳ đá mới, đại diện là lớp văn hóa chứa mũi khoan, có cả mộ nồi và mộ đất, đồ tùy táng chôn theo chủ yếu là đồ đá và đồ gốm.

Giai đoạn muộn thuộc thời đại đồ sắt, với lớp văn hóa chứa hạt chuỗi thủy tinh, mộ nồi vò chôn theo hạt chuỗi thủy tinh.

Các nhà khảo cổ học cho rằng, Thác Hai có thể là di chỉ có tầng văn hóa dày nhất Tây Nguyên. Các điểm khảo cổ ở Tây Nguyên thường có tầng văn hóa dày trung bình 50-70 cm, địa điểm dày nhất ở Lung Leng cũng chỉ trên dưới 1 m, nhưng tại di chỉ Thác Hai ngay cả khi không tính lớp thứ hai (thời cận đại) thì tầng văn hóa ở đây vẫn dày khoảng 2 m.

Những kết quả nghiên cứu và khai quật tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai là một trong những phát hiện mới và rất quan trọng của khảo cổ học Việt Nam. Với những tư liệu hiện có về những nền văn hóa hoặc di chỉ có cùng niên đại, có thể nói đây là lần đầu tiên ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đã phát hiện được một công xưởng chế tác mũi khoan với quy mô lớn, chuyên môn hóa cao, trình độ kỹ thuật tinh xảo.

Công chúa Fubao ra mắt ở Trung Quốc, nhiều người xếp hàng đợi từ 4 giờ sáng Công chúa Fubao ra mắt ở Trung Quốc, nhiều người xếp hàng đợi từ 4 giờ sáng

VTV.vn - Chỉ vài tiếng sau khi chính thức gặp gỡ khách tham quan, hình ảnh Fubao tràn ngập mạng xã hội ở Trung Quốc.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước