Làng Phạm Pháo (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là nơi sản xuất và sửa chữa kèn đồng duy nhất trên cả nước
Làng ta làm kèn Tây
Người dân nơi đây biết đến chiếc kèn đồng (kèn Tây) từ đầu thế kỷ 16, ngay từ năm 1908 xứ đạo Phạm Pháo đã xây dựng ngôi thánh đường khá nguy nga. Cùng khoảng thời gian này, xứ đạo đã thành lập đội kèn đồng mà mọi người quen gọi là đội nhạc Tây vì được du nhập từ phương Tây.
Làng Phạm Pháo (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là nơi sản xuất và sửa chữa kèn đồng duy nhất trên cả nước. Không chỉ biết sửa chữa kèn đồng, người dân làng Phạm Pháo còn biết sử dụng thuần thục các loại kèn. Kèn đồng thường được sử dụng trong các dịp lễ lớn như Trung thu, Noel, các hoạt động tôn giáo hoặc ở các đám tang trang trọng.
Mỗi cây kèn đồng thường có 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Ông Nguyễn Văn Hưởng (53 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) chia sẻ: "Hầu hết kèn đồng Phạm Pháo đều được làm thủ công, chỉ những chiếc kèn to thì mới sử dụng đến máy móc. Việc làm kèn đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, chính xác trong từng công đoạn. Những ống đồng được cán phẳng, gò tay thành một chiếc kèn và chỉ sử dụng máy uốn tự chế, máy tiện cho các chi tiết và công đoạn khó".
Điểm làm nên nét riêng của kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết các công đoạn đều được thực hiện thủ công mà không cần đến các thiết bị máy móc hiện đại. Trong hầu hết loại kèn, người thợ làng Phạm Pháo chỉ cần đến chiếc máy cán đồng và máy hàn là có thể làm được những loại kèn một thời vốn phải du nhập từ phương Tây.
Ông Hưởng chia sẻ: "Ngoài biết cách chơi kèn tây thành thạo, người Phạm Pháo chúng tôi đã mày mò để có thể tìm ra "bệnh" của những chiếc kèn đồng". (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Thông thường mỗi chiếc kèn Tây có từ 180 đến 250 chi tiết, trong đó có bộ phím cần phải kín như chiếc xi lanh nhưng cũng phải nhẹ nhàng, trơn tru để dễ bấm. Các loại kèn đồng giống nhau ở điểm đều có bộ hơi gồm 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc. Trong quá trình chế tác, khâu khó nhất vẫn là chế tạo quả pháo và bộ phím. Ngoài sự lành nghề, người thợ còn phải có cả kiến thức về âm nhạc và quan trọng nhất là đôi tai phải có độ thẩm âm tinh tế để nắm bắt được các biến tấu của thanh âm.
Giữ lửa nghề
Các cơ sở làm kèn ở Phạm Pháo chẳng có thiết bị máy móc nào hiện đại, ngoài chiếc máy cán đồng và máy hàn, vậy mà những người dân quê nơi đây vẫn làm được thứ nhạc cụ vốn chỉ ở bên Tây mới làm được.
Ngoài làm những cây kèn mới, nơi đây còn sửa chữa các loại kèn đủ chủng loại từ khắp các địa phương gửi về. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Ông Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ tiếp: "Từ lúc còn bé tôi đã được cha ông dạy thổi kèn, lớn lên một chút lại bắt đầu học làm kèn. Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề của cha ông, cho đến bây giờ chẳng có gì vui và hạnh phúc hơn khi con cái trong gia đình đều yêu thích và đam mê kèn Tây như hơi thở hàng ngày và hiện nay gia đình tôi đã có 3 đời làm kèn".
Loa kèn được úp lên khuôn bê tông tự chế rồi gõ cho đến vành miệng tròn đều, được ông Hưởng tỉ mỉ làm (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Trung bình mỗi năm gia đình ông gia công từ 10-20 chiếc kèn, còn lượng kèn sửa chữa thì không kể hết. Chất liệu làm kèn chủ yếu bằng đồng, mạ crom, vàng, bạc… tuỳ đơn đặt hàng.
"Công việc chủ yếu của tôi ở xưởng hàng ngày là sửa chữa và chỉnh âm lại cho kèn từ các nơi gửi về. Chỉ khi có khách đặt hàng tôi mới sản xuất kèn. Bây giờ ngoài thị trường có nhiều nơi người ta mua hàng bãi ở nước ngoài về sửa lại rồi bán ra với giá rẻ, mình lại làm kèn nhỏ giá thành không cạnh tranh được với họ", ông Hưởng nói.
Ngoài công việc thợ làm kèn, ông Hưởng còn là thầy kèn của nhiều đội kèn trong vùng. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Làm kèn đồng và thổi kèn đồng đã là truyền thống đã ngấm vào máu thịt của người làng Phạm Pháo. Tiếng kèn được thổi trong những ngày thánh lễ, những bữa tiệc vui gia đình, trong lễ vu quy và thổi kèn cũng để chia sẻ bớt nỗi đau của những mất mát chia xa… Tiếng kèn gần như đã gắn liền với mọi sinh hoạt trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Đối với gia đình ông Hưởng và người làng Phạm Pháo, kèn Tây đã giúp họ tìm thấy sự tĩnh lặng những khi tâm hồn xáo động, để rồi chẳng có ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng như những giai điệu kèn Tây từ chính người lao động tạo nên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!