“Cuốn theo chiều gió”: Hé lộ chuyện hậu trường sau 75 năm

Bích Vân (Thời sự - thoisu@vtv.vn)-Thứ bảy, ngày 27/09/2014 00:08 GMT+7

Hai diễn viên Clark Gable và Vivien Leigh ngồi trên xe ngựa chuẩn bị cho một cảnh quay. (Ảnh: Theo Daily Mail)

75 năm đã trôi qua, kể từ ngày được công chiếu lần đầu tiên (15/12/1939), “Cuốn theo chiều gió” đã hé lộ nhiều câu chuyện kỳ thú về hậu trường bộ phim này.

Kỳ công và tốn kém - 75 năm đã trôi qua, kể từ ngày được công chiếu lần đầu tiên (15/12/1939), bộ phim Cuốn theo chiều gió đã là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển quen thuộc với hầu hết những người yêu điện ảnh trên toàn thế giới. Cuốn theo chiều gió - cuốn tiểu thuyết cùng tên của văn sĩ - nhà báo Margaret Mitchell, mà bộ phim chuyển thể xuất bản cách đó ba năm (năm 1936) là tác phẩm có số lượng cao nhất trong lịch sử xuất bản của Hoa Kỳ, được tái bản tới 31 lần trong năm đầu tiên, 48 lần trong ba năm tiếp theo.

Trước sức nóng ghê gớm của cuốn tiểu thuyết, hãng phim MGM đã quyết định chuyển thể tác phẩm này thành phim với sự đồng ý của tác giả Margaret Mitchell, kèm theo số tiền tác quyền không hề nhỏ thời bấy giờ là 50.000 USD. Hãng MGM đã mời F. Scott Fitzgerald, cây cổ thụ làng văn học Mỹ - đảm nhận việc chuyển thể kịch bản với 15.000 USD - một số tiền khá “khủng” hồi đó.

Một khâu cũng “ngốn” không ít tiền bạc của đoàn phim Cuốn theo chiều gió là phục trang. Ít ai biết rằng, để làm bộ phim này, nhà sản xuất đã phải may 5.500 bộ quần áo. Nữ diễn viên chính Vivien Leigh trong vai nàng Scarlett được may tất cả 30 bộ váy áo. Trong đó chiếc váy màu tím mà nữ diên viên chính này mặc trong phim có đến 27 biến thể, để khán giả có thể nhận thấy chiếc áo duy nhất của Scarlett dần dần cũ đi như thế nào.

Ông Gary Leva – Nhà phê bình điện ảnh chia sẻ: “Câu chuyện về Scarlet đã phủ bóng lên các câu chuyện khác được truyền tải, trong đó cao nhất là chế độ nô lệ. Vú Mammy được xây dựng trong câu chuyện này đã từng bị phản đối khi bộ phim phát hành lúc bấy giờ, bởi Mammy đã có những tiếng nói nhất định trong bộ phim”.

Nữ diễn viên trong phim Hattie McDaniel – người vào vai Mammy, nô lệ da đen đã trở thành diễn viên người Mỹ gốc Phi đầu tiên được đề cử và giành chiến thắng tại Oscar. Nhân vật này nhận phải sự chỉ trích kể từ khi ra mắt bộ phim tại Atlanta vào tháng 12/1939. Chưa hết, sự tốn kém và kỳ công của Cuốn theo chiều gió còn ở việc, bộ phim có tới bốn đạo diễn, cho dù phần giới thiệu chỉ ghi tên đạo diễn là Victor Fleming.

“Đối với tôi, bộ phim là một ví dụ hoàn hảo cho khái niệm kiệt tác điện ảnh. Nhưng nếu các nhà làm phim để ý đến các vấn đề chính trị, nó sẽ không có được sự lãng mạn trong đó. Những chủ sở hữu nô lệ ở miền Nam, một phần là tàn bạo, nhưng một phần là người tử tế và họ rất cổ vũ cho bộ phim này” - diễn viên Kerry Washington chia sẻ.

Ngay khi đoàn làm phim công bố tuyển diễn viên, đã có tới 1.400 nữ diễn viên đi thử vai nữ chính Scarlett, trong đó có nhiều tên tuổi lừng danh như Bette Davis và Katharine Hepburn. Tuy vậy, không ai có thể tin rằng vai diễn đáng mơ ước đó lại về tay một nữ diễn viên không hề nổi tiếng, đến từ nước Anh - Vivien Leigh.  Tuy nhiên, với diễn xuất xuất thần trong bộ phim này, khán giả Mỹ vốn không tin một nữ diễn viên người Anh “xa lạ” lại có thể lột tả được tính cách của Scarlett, rốt cuộc đã bị chinh phục hoàn toàn và hết lời tung hô Vivien.

Bộ phim đã được trao tặng 10 giải Oscar, trong đó có giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Vivien Leigh. Quan trọng hơn, với sự kì công và tốn kém này cũng được đền bù xứng đáng. Cuốn theo chiều gió lập kỷ lục khi trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất thế giới, với con số ước tính đến 3,3 tỷ USD, nằm trong hàng ngũ phim không thể không xem với bất kỳ thời đại điện ảnh nào về sau.

Mời quý vị theo dõi VIDEO về những câu chuyện hậu trường sau 75 năm công chiếu bộ phim Cuốn theo chiều gió.​

 

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước