Nguyễn Đại Cồ Việt là một giảng viên khoa Tiếng Trung của Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh nhập cảnh từ Hàn Quốc về Việt Nam vào ngày 16/5 ở sân bay Vân Đồn. Ngay sau khi xuống sân bay, Nguyễn Đại Cồ Việt đã được chuyển đến Trung đoàn 125, Thành phố Chí Linh, Hải Dương. Anh sẽ thực hiện 21 ngày cách ly tại đây.
Trong những ngày đầu ở trung tâm cách ly, Nguyễn Đại Cồ Việt bắt đầu viết nhật ký - những ghi chép vụn vặt về những gì anh được trải qua trong thời gian này. Cồ Việt nói với tôi rằng mình cũng chẳng có gì nhiều để làm trong những ngày này nên quyết định viết nhật ký, tuy nhiên cũng băn khoăn "không biết kể chuyện gì cho hết 21 ngày ở đây" và không biết "Nhật ký Chil's Resort" kéo dài đến chừng nào.
Chúng ta đã từng được biết về cuộc sống tại các Trung tâm cách ly vào năm ngoái - khi đại dịch bắt đầu bùng phát - từ Fashionista Châu Bùi; từ diva Hồng Nhung (cách ly tại trung tâm Uông Bí, Quảng Ninh); từ Gavin Wheeldon - một chuyên gia người Anh về thương mại điện tử (cách ly tại Trường quân sự Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội)... - và hôm nay, VTV News sẽ giới thiệu tới độc giả những trích đoạn ghi chép trong 4 ngày đầu tiên của Nguyễn Đại Cồ Việt trong bài viết này, cho đến thời điểm này. Và hy vọng với những ghi chép của anh, chúng ta sẽ có thêm những cái nhìn mới, hiểu biết mới về đời sống của mọi người tại Trung tâm cách ly trong thời gian này - khi đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến nguy hiểm và phức tạp.
Trung đoàn 125, Thành phố Chí Linh, Hải Dương - nơi Nguyễn Đại Cồ Việt và nhiều người khác đang hoàn thành thời gian cách ly của mình. Nguyễn Đại Cồ Việt gọi đây là "Chil's Resort". (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ngày thứ nhất
1. Phòng 4 ở 2
0 giờ 9 phút ngày 17/5, xe đỗ trước tòa nhà 3 tầng trong khu Doanh trại Trung Đoàn 125, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Mọi người được yêu cầu xuống xe tiến đến vị trí xếp hàng đã được đánh dấu bằng ghế để đảm bảo giãn cách, tháo bỏ bộ quần áo bảo hộ để vào nơi quy định để mang đi tiêu hủy sau đó. Việc đón tiếp đã được Trung đoàn lên kế hoạch từ trước, các yêu cầu được đưa ra ngắn gọn, chính xác, uy lực theo phong cách nhà binh. Mọi người thực hiện theo răm rắp và rất trật tự.
Đồ đạc không mang theo, mỗi người tiến lên nhận một túi đồ ăn, một túi vật dụng cá nhân, vài cái mắc áo và di chuyển về phòng cách li, ai đi trước vào phòng trước. Phòng nam xếp từ phòng cuối về đầu (312 > 101), phòng nữ xếp từ phòng đầu tiên xuống dưới (101 > 312). Các em bé được vào trước tiên. Chúng tôi là xe đầu tiên hành khách xuống nhận phòng, chúng tôi đi khỏi các xe khác mới cho người xuống.
Có hai loại phòng ở đây - phòng 4 người và phòng 8 người. Một dãy tầng có 12 phòng. Cứ 6 phòng thì chung một khu vệ sinh.
Tôi đi cuối đoàn của xe 1 nên vào phòng 303, là loại phòng 4 người. Phòng có cửa trước và cửa sau thông ra hành lang. Cửa luôn mở nên gió ngàn lồng lộng thổi thông từ trước ra sau. Ba người khác trong phòng là hai chú ở miền Tây, sang Hàn thăm thân tiện thể làm farm, một bạn du học sinh người Sài Gòn.
Ổn định vị trí, ăn uống xong được một lúc thì nghe loa gọi các phòng tầng 3 xuống đưa hành lí lên. Vali đã được phun khử khuẩn.
Một chú miền Tây sau khi lượn đi một hồi thì về báo với chú "dâu tây" (con rể người Hàn của chú trồng dâu tây) là các gia đình có thể ở phòng gia đình. Chú gọi chú kia theo vì hai cặp vợ chồng là xếp vừa một phòng 4 giường.
Hai chú đi đoàn tụ gia đình xong thì phòng còn 2 người. Lúc đi nhận suất ăn, báo 2 suất, nhân viên thì ngạc nhiên còn các phòng khác thì ghen tị. Biết làm sao được, giời đãi thì phải nhận chứ sao.
2. Buổi sáng bình yên ở Chil's Resort
3 giờ sáng đi ngủ. 5h rưỡi sáng, tiếng loa báo thức của doanh trại vang lên khiến tôi tỉnh giấc. Nhìn ra ngoài, đúng lúc nắng sớm chiếu vào bức tường vàng của dãy nhà chỉ huy khiến nó óng lên như tỏa sáng. Khung cảnh với núi, mây thật thanh bình. Lấy điện thoại Loại Ghẻ cuả mình ra chụp một tấm kỉ niệm. Bất giác nhớ đến Hola Resort, chỗ này sẽ là Chil's Resort.
Gửi ảnh và tin nhắn cho bạn bè quốc tế bảo, "trước núi sau rừng, gió thổi ve kêu, tinh thần sảng khoái". Post Facebook báo bình an, xong ngồi suy nghĩ xem những ngày nghe ve kêu và ngắm sâu bọ bay nên trôi qua thế nào. Viết Nhật kí ở Chil's Resort, hầu chuyện những ai tò mò về cuộc sống ở traung tâm cách ly chắc sẽ là một phần trong kế hoạch. Có điều, không phải ngày nào cũng có sự kiện để kể. Bình an vốn dĩ hay đi kèm với nhạt nhẽo.
3. Thực đơn ngày đầu
Cậu bạn du học sinh cùng phòng gọi điện cho người thân, kêu thức ăn không hợp khẩu vị. Chắc là cảnh ngộ chung của nhiều người Nam khi phải ăn đồ Bắc. Mà lại là đồ Bắc do bếp ăn bộ đội nấu. Không biết khi nào chương trình Chúng tôi là chiến sĩ mới cho các bác bếp thi tài nhỉ.
Bữa sáng: Bánh khúc (tức là trông giống bánh khúc, nhân chay, không có vị lá khúc, còn có thể nó là loại bánh khác ở Hải Dương.)
Bữa trưa: Cơm, canh, rau muống luộc, thịt nạc rang, đậu rim. Đét-xe: chuối.
Mỗi phòng được phát một chai mắm để mọi người điều vị theo thói quen.
Bữa tối: Cơm, canh, rau cải luộc, thịt gà rang, trứng rán.
Cô giáo tiếng Anh hỏi, không báo nhà bếp là anh ăn chay à. Không, anh hèn. Đồ ăn có định mức mỗi bữa, bất kì thay đổi nào đều gây khó.
4. Lấy mẫu xét nghiệm
Sự kiện được mong chờ trong ngày là nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm. Hồi hộp chờ kết luận. Có khi nào báo chí đưa tin trước khi người trong Resort được nhận kết quả không nhỉ. Nhưng không có tin gì chính là tin tốt lành.
Sáng và chiều đều có nhân viên y tế đi đo nhiệt độ. Chưa có ai bất thường cả.
5. Kết nối
Máy tính không bắt được wifi phát từ máy điện thoại. Liên lạc với người thân để mua một cục phát wifi và một sim data cho cục phát. Đến chiều tối, cục phát wifi và sim đã được chuyển đến. Sẵn sàng kết nối. Chân thành cám ơn những người đã giúp đỡ.
Ngày thứ 2
18/5. Tỉnh dậy theo tiếng loa báo thức của doanh trại. Trời hôm nay trong hơn hôm qua, báo hiệu sẽ là một ngày nắng. Trên đỉnh núi, xen giữa mây trắng là những mảng ráng hồng tươi. Ráng sớm và ráng chiều ra là có màu khác nhau. Ráng chiều sẫm, vì trời đang tối xuống. Ráng sớm tươi hơn vì trời đang sáng lên, cũng ít gặp nữa, bình thường trời cứ sáng dần lên mà thôi.
1. Cái bàn và cái bàn phím
Phòng bốn ở hai nên mỗi người được sử dụng hai cái giường. Dọn cái giường còn lại thành chỗ ngồi làm việc. Ngồi xếp bằng trên đất, còn máy tính để lên mặt giường. Tư thế ngồi này không duy trì được lâu, đau hết người.
Sau bữa sáng, gọi điện cho đồng chí phụ trách khu cách li (tổng giám thị, TGT), lễ phép hỏi mượn một cái bàn. Đồng chí hứa sẽ xem còn dư cái bàn nào thì cho mượn. Lúc sau gọi lại, chỉ tôi xuống đâu, lấy cái bàn nào. Gọi cậu cùng phòng, hai anh em xuống khiêng bàn lên. Phòng bên cạnh lại được một phen tròn mắt, xông ra hỏi. Trả lời dứt khoát, hết bàn rồi. Lau sạch bàn, trải khăn lên (khăn là cái vỏ chăn), thế là có một chỗ ngồi đàng hoàng.
Giới thiệu cái bàn: Hộp bánh Solite là bạn Vi Lê gửi vào tận sân bay Vân Đồn để giúp người trở về có sức bê vali. Cục phát wifi màu trắng được chuyển vào hôm đầu tiên, cũng do bạn Vi Lê hỗ trợ giải quyết. Có thế mới có seri vừa cách ly vừa kể chuyện này. Tri ân sự giúp đỡ của bạn.
So với bàn làm việc ở nhà thì còn thiếu cái bàn phím. Cũng không khó giải quyết, vì sau cuộc giải cứu wifi hôm qua đã xây dựng được kênh hậu cần địa phương. Mai bàn phím sẽ đến.
Hàng loạt thao tác cồng kềnh này là vì cái gì? "Tôi chiều tôi quá nên hư rồi phải không", hay "vì deadline phục vụ, sẵn sàng!". Vế sau nghe có lí tưởng hơn, nhưng vế trước có nhẽ gần với sự thực hơn. Tấm thân mập yếu này cần được chăm sóc mà.
2. Nhu cầu và giới hạn
Nhu cầu của mỗi người là khác nhau nên việc đặt đồ từ ngoài vào là được phép. Đồng chí TGT đã cảnh báo từ đầu, rượu, bia, bài bạc thì không được.
Nhìn tích cực thì nhiệm vụ cung ứng theo nhu cầu nên là nhà nước và nhân dân cùng làm, chứ cán bộ của doanh trại có hạn, lo ba bữa ăn mỗi ngày cho gần 200 con người là đã quá đủ vất vả rồi, thời giờ đâu mà đi hầu các nhu cầu phi cấp thiết như thế.
Tôi chọn cách nhìn tích cực hơn.
3. Thực đơn ngày thứ hai
Bữa sáng: bánh cuốn chay với chả (trong Nam gọi là bánh ướt);
Bữa trưa: cơm, canh, rau cải luộc, thịt lợn luộc, tôm rang. Đét-xe: dưa hấu.
Bữa tối: Cơm, canh, đỗ luộc, thịt kho tàu, trứng luộc chiên.
4. Nơi lộng gió
Chỗ này gió lộng quá. Phía Tây là sông Thái Bình[*], ranh giới giữa tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang. Phía Bắc là núi Côn Sơn (ngọn núi là mẫu chính của những bức ảnh chụp buổi sáng). Phía Nam là núi Phượng Hoàng, khu cách li nằm ngay dưới chân núi Phượng Hoàng. Côn Sơn và Phượng Hoàng vây lại thành cái túi hứng gió từ sông Thái Bình thổi về, nên gió lúc nào cũng lồng lộng.
Gió thế, mà oi vẫn hoàn oi. Người lúc nào cũng dính như phủ nhựa.
[*] Đoạn sông Thái Bình ở đây có nhẽ có tên địa phương là "Lục Đầu giang".
Ngày thứ 3
19/5. Trời hôm nay không có ráng sớm, mà sáng dần theo tiếng ve ran mỗi lúc một lớn. 5h sáng. Tầm giờ này hồi bé là đã mò ra công viên Bách Thảo để bắt nhộng ve khi chúng bò lên cây lột xác. Đôi khi bắt được cả những con vừa lột xong, thân mình còn xanh mướt, yếu ớt bất động. Bắt về chơi cho vui vậy thôi, đa phần lũ ve sẽ chết, vì nào biết nuôi chúng bằng cách gì cho chúng sống. Mà rốt cuộc, sau khi lột xác, ve có ăn uống gì không nhỉ, hay bỏ ăn bỏ ngủ để tìm bạn tình.
Trong Tam thập lục kế, có một kế tên là "Kim thiền thoát xác" (ve sầu thoát vỏ), đại ý là giống như con ve bỏ lại cái vỏ nhộng, còn mình biến ra hình dạng khác trốn đi. Hôm nay là kỉ niệm ngày sinh của Bác, một cao thủ thượng thừa sử kế "Kim thiền thoát xác" để thoát khỏi sự truy đuổi của mật thám.
1. Nhà tắm công cộng
Khu kí túc vốn là khu nhà cho cán bộ Trung đoàn, các phòng thì riêng, nhưng khu vệ sinh thì chung. Có phòng nhỏ để ở và phòng lớn dành cho các hoạt động chung. Khi chuyển thành phòng cách li, thì phòng nhỏ được kê bốn giường, phòng lớn kê tám giường.
Khu vệ sinh chung (6 phòng chung một khu) gồm nhà tắm và nhà vệ sinh, đều thiết kế để dành cho nam (vì Trung đoàn không có cán bộ nữ), nên chị em nữ sử dụng nhà tắm ở đây cũng... khá ngượng.
Nhà tắm được thiết kế giống như nhà tắm ở bể bơi, không có vách ngăn hay không gian riêng cho từng người. Nó gồm hai khu "khô" và "ướt". Khu khô là nơi thay đồ, được xây quây bằng một bức tường cao ngang đầu người, có cửa nhưng không có cánh cửa, nghĩa là chỉ có sự phân chia về không gian chức năng mà không có sự kín đáo cần thiết. Với tôi, người mà thuở bé đã có kinh nghiệm tắm ở bể nước chung của cả khu, khi lớn đã từng trải nghiệm nhà tắm công cộng ở Trung Quốc, thì việc vượt qua trở ngại tâm lí là không khó. Tôi nhìn anh, anh nhìn tôi, hỏi han vòi nào nước phun mạnh, vòi nào phun yếu, phàn nàn một chút về việc không có chỗ để treo đồ, phàn nàn về việc mùi urine nồng nặc, về chuyện mặt sàn cọ mãi không hết nhớt (do mọi người đổ nước giặt ra sàn). Bầu không khí trong nhà tắm rất hữu nghị, chỉ thiếu điều "cọ giùm tôi cái lưng" nữa thôi. À, mà không chừng những người cách li ở đây đều có kinh nghiệm đi nhà tắm công cộng ở Hàn cũng nên. Ở bển cũng y vậy, vừa tắm vừa trò chuyện và cọ lưng giùm nhau, người ta gọi là văn hoá nhà tắm chung.
Khu ướt của nhà tắm vừa dùng cho việc tắm, vừa dùng cho việc giặt. Từ cửa đi vào, bên tay trái là ba vòi sen gắn lên tường, có thể do cặn vôi bám trên vòi nhiều ít khác nhau mà áp xuất nước phun ra cũng không đồng đều. Tôi biết cái nào mạnh nhất và trung thành với cái vòi ấy. Bên tay phải là dãy vòi nước để bà con giặt giũ. Nếu tắm mà có người đang giặt thì có ý chút, đừng bắn nước lên người ta.
Để tránh lây nhiễm chéo, thì tôi thường căn lúc không có ai sử dụng nhà tắm để vào tắm giặt. Bạn không thể vừa đeo khẩu trang vừa tắm được, vì nó sẽ khiến bạn khó hát. Ngày đầu tiên, tôi đã biết trong số người cách li có một ca sĩ có giọng rất khoẻ. Nhưng từ ngày thứ hai thì không thấy ca sĩ ấy luyện giọng nữa. Chắc bị các bạn cùng phòng phản đối, hoặc là ca sĩ chưa đi tắm lần nữa.
2. Cái áo trắng và chú bọ hung
Nghe ve kêu và ngắm côn trùng bay thì rất hay. Nhưng sẽ không hay lắm khi côn trùng bậu lên cái áo trắng bạn vừa giặt. Nhất là sau khi ngắm kĩ người khách trên áo, bạn nhận ra đó là một con bọ hung vừa đi lao động về.
Tôi dành cho chú bọ hung to uỵch này sự tôn trọng. Cứ nghỉ ngơi từ tốn và rời đi khi nào chú muốn. Nơi chú ghé qua, tôi sẽ xử lí sau.
3. Thực đơn ngày thứ ba
Bữa sáng: Bánh dày + giò
Bữa trưa: Cơm, canh cua rau đay, su su cà rốt luộc, đậu nhồi thịt kho, cá kho. Đét-xe: Ổi.
Bữa tối: Cơm, canh, rau muống luộc, trứng rán cuộn, thịt kho dừa
4. Zalo group
Đại diện của Trung Đoàn lập nhóm Zalo với tên "Nhóm cách ly TĐ 125", để các phòng giao lưu với nhau mà không vi phạm quy định cách li, đồng thời cũng là một kênh để Trung Đoàn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mọi người. Chuyện kết quả xét nghiệm được quan tâm đầu tiên. Mừng thay kết quả đã có, tất cả mọi người đều âm tính.
Thứ hai là chuyện ăn uống, nhưng nhìn chung thái độ của mọi người đều công bằng và có tính xây dựng. Bữa sáng bánh dày giò không hợp khẩu vị của nhiều người, (cậu bạn cùng phòng của tôi sau khi chén hết miếng giò thì phải bỏ nửa miếng bánh dày) nên có ý kiến nên loại "bánh dày" ra khỏi thực đơn, kẻo mọi người bỏ thừa rất lãng phí. Cũng có người trao đổi lại, khen Trung Đoàn chu đáo và tâm lí khi chọn những món ăn truyền thống của dân tộc cho kiều bào xa quê, chuyện phục vụ ăn uống là làm dâu trăm họ, không theo ý kiến của từng người một được.
Trung Đoàn cũng giải thích, thực đơn được thiết kế để đảm bảo dinh dưỡng và thay đổi cho mọi người đỡ ngán, có thể hợp khẩu vị người này mà không được người kia. Nếu mỗi món không thích mọi người lại có ý kiến không cho món đó nữa thì thực đơn cả tháng của mọi người còn rất ít món nên cố gắng và thông cảm cho nhau.
Chuyện thực đơn không ai ý kiến gì nữa, một số phòng nam xin thêm cơm, Trung Đoàn duyệt ngay, mai sẽ thêm cơm. Tôi nghĩ, ai muốn thêm thì lấy thêm thôi, chứ thêm đều một lượt các phòng thì lại có phòng thừa. Phòng hai ông béo không cần thêm.
Ngày thứ 4
20/5. 5h30 sáng. Dãy Côn Sơn ở đối diện hiện ra sau một làn sương mờ mờ. Lũ ve cũng không rôm rả như mọi khi. Đêm qua có mưa không nhỉ? Nếu đêm mưa xuống, đến sáng hơi nước bốc lên thì sẽ mờ mịt thế kia. Vậy là hôm nay sẽ lại vừa nóng vừa ẩm.
1. Bắn nhiệt độ
Trên tường, trước chỗ ngồi làm việc của tôi dán một tờ "Thời gian biểu thực hiện tại khu cách ly", nó được viết theo khuôn mẫu của quân đội, nghĩa là cụ thể đến giờ nào công dân dậy, giờ nào công dân vệ sinh cá nhân, giờ nào công dân ngủ vân vân. Tôi nhớ mình đã phải thực hiện một thời gian biểu tương tự, nhưng khắt khe hơn, là khi đi học dân quân tự vệ trên Hola Resort. Khi ấy thì không phải "07.00, báo thức buổi sáng" đâu, mà 5h đã phải xuống sân tập thể dục, xuống sân chậm hay y phục chưa chỉnh tề là có khi phải đi nhặt cỏ. Ở đây nếu 7h mà bạn muốn ngủ nữa thì cũng không ai phạt. Bạn ở im trên giường, ít di chuyển, ít tiếp xúc có khi cán bộ còn cám ơn bạn.
Trong lịch trình hàng ngày, 8h30 sáng và 15h chiều, nhân viên tổ y tế sẽ đến thăm khám sức khoẻ cho công dân. Giờ thăm khám là để cán bộ đi kiểm tra thân nhiệt của người cách li, chứ công dân có bất kì vấn đề gì về sức khoẻ đều có thể phản ánh qua nhóm zalo, hoặc gọi điện thoại cho người phụ trách y tế bất kì thời gian nào trong ngày. Các số điện thoại liên hệ đều được viết trong tờ Thời gian biểu.
Cán bộ y tế mỗi khi đi bắn nhiệt độ là thế này: mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, đeo găng tay y tế, đeo mặt nạ che mặt, cầm theo máy bắn nhiệt độ và cái bảng theo dõi, đi đến từng phòng đo cho người cách li. Bộ đồ bảo hộ kín mít ấy, tôi đã được trải nghiệm trên chuyến bay hồi hương. Nó bí và nóng, ngồi trên máy bay có máy lạnh thổi còn đỡ, khi đứng ở sân bay Vân Đồn, trước cái oi ả của mùa hạ, là mồ hôi cứ thế chảy đầm đìa bên trong.
Nhìn theo cán bộ y tế đi sang phòng bên cạnh, tôi thầm mong anh béo một chút, vì việc mặc bộ đồ này và vận động khắp ba tầng gác, sẽ là cơ hội tuyệt vời để anh giảm cân. Cuối kì cách li của chúng tôi, anh có thể tự hào khoe với vợ, anh đã giảm được 5 cân rồi đấy.
2. Tấm Bảng đỏ
Ba ngày nữa là ngày bầu cử. (Tôi sẽ không nói hôm đó là sinh nhật của tôi đâu, nói thì chẳng hoá ra bảo "ngày hội non sông" là sinh nhật mình, nói thế là bất kính lắm). Chúng tôi, dù chỉ "tạm trú" ở Hải Dương trong 21 ngày, nhưng vẫn là công dân tạm trú hợp pháp trên địa bàn, nên có quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử tại địa phương.
Băng rôn và áp phích tuyên truyền về bầu cử đã được giăng lên từ mấy hôm nay. Cán bộ cũng đã phát loa thông báo cho bà con biết về sự kiện này. Chiều nay, 18h, tấm Bảng niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2021-2026 (gọi tắt là "tấm Bảng đỏ") được khiêng vào để ở tầng 1. Tấm Bảng đỏ thu hút được sự chú ý của mọi người. Một vài người tiến lại tìm hiểu, cán bộ lại gọi loa lưu ý mọi người giữ giãn cách hợp lí.
Tôi cũng tiến lại chụp vài tấm hình, chẳng phải ngày nào cũng được bầu cử ở khu cách li. Ở điểm bầu cử này, ứng cử Quốc hội có 4 người, bầu 2, ứng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương có 8 người, bầu 5.
3. Thực đơn ngày thứ tư
Bữa sáng: Bánh mì kẹp giò
Bữa trưa: Cơm, canh, rau cải luộc, đậu rim, thịt viên rán, giò. Đét-xe: chuối
Bữa tối: Cơm, canh, rau bắp cải luộc, đậu xào thịt bò, thịt lợn luộc
4. Chil's Resort
Là "Chil" (1 chữ l) chứ không phải "Chill" (2 chữ l), dù hai từ này đồng âm, nhưng "Chil" là bốn chữ cái đầu của Chí Linh, nó gốc là tiếng Việt thôi. (Giống như Hola trong Hola Resort chả liên quan gì đến tiếng Tây Ban Nha hết.)
Tất nhiên, dùng "chill" (thư giãn, thoải mái) để miêu tả về Chil's Resort thì không sai chút nào.
Giảng viên Nguyễn Đại Cồ Việt trong ảnh chụp mới nhất sáng nay (21/5), ngày thứ 5 tại Trung đoàn 125, Thành phố Chí Linh, Hải Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!