"Cửa hiệu giặt là" - Góc nhìn tinh tế, sâu sắc về Hà Nội

Việt Hà - Huyền Anh-Thứ tư, ngày 23/07/2014 16:41 GMT+7

Cửa hiệu giặt là là tiểu thuyết thứ ba của nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy, một tác phẩm mang dư vị nhởn nhơ, chậm rãi đậm chất riêng của tác giả để khắc họa một bức tranh mang tên Hà Nội đa màu sắc, sống động và có hồn.

Vốn được coi là nhà văn của vùng cao nguyên đá Hà Giang, tác giả Đỗ Bích Thúy thường viết về đề tài miền núi và những con người dân tộc. Tuy nhiên, tiểu thuyết mới nhất của chị, mang tên “Cửa hiệu giặt là” lại viết về Hà Nội và những con người của thủ đô.

Cửa hiệu giặt là là tiểu thuyết thứ ba của nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy, một tác phẩm mang dư vị nhởn nhơ, chậm rãi đậm chất riêng của tác giả. Câu chuyện lấy bối cảnh ở một góc phố nhỏ của Hà Nội, nơi cái xưa và cái nay đang còn đan xen, trộn lẫn, cùng tồn tại.

Tiểu thuyết có 23 chương, trong mỗi chương, một nhân vật mới, một câu chuyện mới từ từ hiện ra, giống như tác giả điểm xuyết từng chút một những chi tiết vào một bức tranh mang tên Hà Nội, tạo thành một tác phẩm hội họa đa màu sắc, sống động và có hồn.

Ở đây ta bắt gặp những nhân vật thật đời thường, gần gũi, mà người đọc dễ dàng soi chiếu và thấy bản thân mình xuất hiện đâu đó trong cuốn sách. Đó là vợ chồng chủ cửa hiệu giặt là, đó là những cô gái làm thuê cho cửa hiệu, xuất thân từ những làng quê nghèo, là cô công nhân môi trường đã luống tuổi nhưng chưa lập gia đình, là anh sửa xe góc phố… Họ là những người lao động thị dân, tuy nghèo về vật chất, nhưng không thiếu thốn tình cảm, họ đùm bọc, giúp đỡ, chăm sóc nhau mỗi khi hoạn nạn khó khăn. Có lẽ nhà văn Đỗ Bích Thủy yêu quý tất cả những nhân vật của mình, không có nhân vật nào phản diện, gai góc, mà tất cả đều đáng quý, đáng yêu.

Và trong con mắt nhìn của các nhân vật, Hà Nội hiện ra đẹp tinh khôi, dịu dàng trong mùa đông se lạnh. Đó là cây long não góc phố, là ánh nắng mùa đông xiên xiên khe cửa. Đọc sách của Đỗ Bích Thúy, mà đặc biệt là tiểu thuyết này, cần phải đọc một cách thong dong, thư thả, giống như người ta nhâm nhi một chén trà chiều và tận hưởng không khí lãng đãng của Hà Nội những ngày chớm đông vậy.

Mặc dù về mặt hành chính, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã được coi là công dân Hà Nội đã từ khá lâu rồi, nhưng nói một cách tượng hình, Cửa hiệu giặt là chính là tấm hộ khẩu bằng văn chương chính thức của chị với thủ đô, bởi phải đúng là người con Hà Nội, yêu Hà Nội mới có được cái nhìn về nơi đây một cách tinh tế và sâu sắc đến như vậy.

Mời các bạn theo dõi chi tiết qua video sau đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước