Ngư dân Bajau (Indonesia) thường xuyên lặn xuống độ sâu 70 mét mà không cần bất cứ một phương tiện hỗ trợ nào ngoài một chiếc mặt nạ gỗ. Họ dành đến 60% thời gian làm việc để lặn, đánh bắt các loài giáp xác và bạch tuộc – họ có thể ở dưới nước tới 13 phút một lần.
Nhà nghiên cứu người Mỹ Melissa Llardo rất bất ngờ về điều này và thắc mắc liệu những ngư dân ở đây có đặc điểm di truyền nào đặc biệt không mà họ có thể ở dưới nước lâu hơn nhóm người Saluan không bao giờ lặn sống ở gần đó.
Với sự hỗ trợ của một phiên dịch viên, bà đã đến Jaya Bakti, Indonesia để tiến hành nghiên cứu các ngư dân Bajau và các vùng lân cận.
Bà chia sẻ: "Tôi đã từng đến với Jaya Bakti để giới thiệu về dự án và nghiên cứu của mình. Tôi muốn chắc chắn rằng với lần quay trở lại thứ 2 này, những ngư dân ở đây sẽ hiểu rõ những điều mà tôi muốn biết về họ và họ có thể giúp tôi tiến hành dự án như thế nào".
Đầu tiên, bà tiến hành lấy xét nghiệm di truyền và siêu âm. Kết quả cho thấy, người Bajau có lá lách lớn hơn người Saluan khoảng 50%.
Lá lách đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình lặn và sẽ mở rộng hơn trong vài trường hợp vì chúng cung cấp cho máu nhiều oxy hơn khi cơ thể bị căng thẳng hoặc đang lặn dưới nước.
Khi so sánh bộ gen của người Bajau với người Saluan và người Han của Trung Quốc, các nhà khoa học cũng tìm ra rất nhiều điểm khác biệt. Trong đó một gen có tên gọi là PDE10E – được xác định có liên quan đến kích thước của lá lách.
Ở chuột, PDE10A có chức năng điều chỉnh hormone tuyến giáp giúp kiểm soát kích thước lá lách. Điều này hỗ trợ cho kết luận rằng người Bajau đã phát triển một kích thước lá lách cần thiết để duy trì việc lặn sâu, thường xuyên và trong thời gian dài. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định hormone tuyến giáp ảnh hưởng như thế nào đến kích thước lá lách của con người.
Phát hiện này sẽ giúp thúc đẩy những nghiên cứu y học và giúp các nhà khoa học nắm bắt được những phản ứng của cơ thể khi mất oxy trong nhiều trường hợp khác nhau, từ lặn đến leo núi cao, hay phẫu thuật đối với người mắc bệnh phổi.
Giáo sư Eske Willerslev tại Đại học Copenhagen, cho biết: "Điều này phản ánh chân thực cuộc sống của những người dân bản địa trên khắp thế giới khắc nghiệt như thế nào".