Ký ức lịch sử vẫn phảng phất đâu đây, là sợi dây gắn kết các thế hệ xưa và nay. Đó cũng là lý do những ai từng đặt chân đến Côn Đảo đều trân trọng, nâng niu, đều muốn góp sức giữ gìn màu xanh bình yên trên mảnh đất này.
Côn Đảo được biết đến là một di tích lịch sử thiêng liêng. Nơi đây, mỗi địa danh đều gắn với sự hy sinh của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước. Theo bà Phạm Thị Tám - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo, trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo, có khoảng 20.000 người Việt Nam yêu nước thuộc nhiều thế hệ bị thực dân, đế quốc giam cầm, đày đọa và hy sinh trên mảnh đất này.
Tượng đài Thủy Chung được đặt tại Nghĩa trang Hàng Dương, cao 4,5m thể hiện lòng trung thành, chung thủy với cách mạng, với đồng chí đồng đội (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo)
Gần 50 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, giữa đại dương bao la, Côn Đảo tràn ngập một màu xanh bình yên - thành quả của bao thế hệ người con yêu nước vun đắp. Bên cạnh giá trị lịch sử, đây cũng là điểm đến hiếm hoi còn giữ được nét đẹp hoang sơ với không khí trong lành và sắc xanh bao phủ.
Các nhà khoa học đã ghi nhận tại Vườn Quốc gia Côn Đảo 1.077 loài thực vật rừng thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch trong 6 ngành thực vật. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng nên độ che phủ của rừng tại Vườn Quốc gia Côn Đảo luôn đạt tỷ lệ 80% trở lên. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2024, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo sẽ tiếp tục trồng thêm hơn 400 cây điệp anh đào nhằm phủ xanh khuôn viên hồ chứa nước Đất Dốc, chống xói mòn. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Đề án Trồng một tỷ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh" giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Rất hiếm gặp rác trên các con đường thênh thang của Côn Đảo (Ảnh: Ann Fritzenwanker)
Cùng với việc bảo tồn hệ sinh thái rừng, với đặc thù nằm giữa biển, chịu ảnh hưởng từ rác thải trôi dạt, cộng với lượng khách du lịch tăng cao, làm thế nào để Côn Đảo mãi xanh, mãi trong lành? Đó là tâm nguyện chung của chính quyền, nhân dân huyện đảo và của rất nhiều người yêu mến, trân trọng nơi đây.
Những năm gần đây, Côn Đảo đã áp dụng nhiều biện pháp như tổ chức thu gom rác thải đại dương, cung cấp dụng cụ sử dụng nhiều lần, tập huấn cho các doanh nghiệp, khu dân cư về phân loại rác tại nguồn, xử lý rác hữu cơ. Đến nay, 90% cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện nói không với các sản phẩm từ nhựa.
Du khách nước ngoài chung tay nhặt rác ở Côn Đảo (Vườn Quốc Gia Côn Đảo)
Từ tháng 4/2024, UBND huyện Côn Đảo đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam thực hiện Chiến dịch "Truyền thông du lịch giảm nhựa 2024". Chiến dịch được chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 và 2 (từ tháng 4 đến tháng 9/2024), huyện tập trung truyền tải thông điệp về quy định giảm nhựa, sử dụng Giỏ lễ xanh, nói không với các hoạt động đốt hàng mã. Song song với đó, Ban Quản lý các di tích Quốc gia Côn Đảo cũng phát động Thử thách "Dấu tay xanh" nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Giai đoạn 3 (từ tháng 9 đến tháng 11/2024), huyện sẽ tổ chức Tuần lễ Ngưng nhựa/thu gom rác tái chế tại các điểm tham quan, điểm di tích lịch sử.
Hiện nay, tại Côn Đảo đã lắp đặt thiết bị theo dõi chất lượng không khí và liên tục truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, các khu du lịch, di tích, bến tàu… để định hướng về du lịch giảm nhựa. UBND huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động tạo sức lan tỏa như: Giải Chạy vì môi trường Côn Đảo - Run Challenge 2024, vẽ tranh tường về du lịch giảm nhựa, làm bưu thiếp, phát động phong trào du khách chung tay dọn rác tại Côn Đảo… Bên cạnh du lịch tâm linh, các tour du lịch nhặt rác, làm sạch biển, thu gom rác dưới rạn san hô, trồng rừng đang được triển khai, thu hút nhiều tình nguyện viên và du khách tham gia. Cùng với các hoạt động giảm thiểu rác thải, nói không với đồ nhựa dùng một lần, Côn Đảo đang từng bước triển khai du lịch có trách nhiệm, tiến dần đến du lịch Net Zero (hoàn toàn không gây hại tới môi trường
Côn Đảo xanh ngắt một màu xanh bình yên ôm ấp trong mình bao ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc (Ảnh: Bảo Quang)
"Hy vọng những việc làm thiết thực trên sẽ như những trận mưa dầm thấm lâu, giúp thay đổi dần hành vi, tiết kiệm và phục hồi tài nguyên, giữ mãi màu xanh, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái của Côn Đảo" - bà Võ Thị Vân, Trưởng Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Côn Đảo chia sẻ.
Giữ gìn một Côn Đảo xanh - sạch - đẹp là giữ gìn cả những ký ức hào hùng của dân tộc, là cách để bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao trời bể của các thế hệ đi trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!