Chỉnh răng cho trẻ và những kiến thức phải biết

Kim Hải-Thứ bảy, ngày 05/11/2011 16:00 GMT+7

Mất nhiều công sức, tốn kém nhưng chưa hẳn cha mẹ đã giúp được con. Muốn trẻ có một hàm răng đẹp, các bậc cha mẹ cần phải biết những kiến thức cơ bản nhất.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Thực tế cũng đã có rất nhiều bậc cha mẹ cho con cháu mình đi nắn chỉnh răng để chữa trị cho những hàm răng bị hô, bị móm hoặc là răng bị mọc lệch, chen chúc dù rằng chi phí nắn chỉnh răng rất là tốn kém và thời gian điều trị khá lâu dài.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng: trẻ có thể tự đeo khí cụ chỉnh răng mua ngoài hiệu thuốc. Có người thì quan niệm: không cần đeo khí cụ mà dùng kinh nghiệm dân gian cũng có thể đưa răng về đúng với trật tự của nó. Một số cha mẹ khác lại cho rằng: Nếu con cần nắn chỉnh răng thì con bắt buộc phải đến bác sĩ. Nhiều trẻ không được giải thích kĩ càng mà lại bị cha mẹ ép phải đeo niềng nên thường tỏ ra khó chịu, chống đối, thậm chí gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Việc chỉnh hình răng hàm mặt có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi, thời điểm chuẩn tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của sự sai hình xương và sự lệch lạc của răng. Ví dụ, một trẻ bị sứt môi và hở hàm ếch có thể phải dùng một máng chỉnh hình trong miệng ngay sau khi sinh vài tuần.

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, nhìn chung, thời điểm tốt nhất để điều trị chỉnh hình răng hàm mặt là khi các răng vĩnh viễn đã mọc (10-12 tuổi). Ở lứa tuổi này, xương hàm đang phát triển, rất thuận lợi cho việc nới rộng và sắp xếp lại các răng. Nhưng để việc nắn chỉnh răng thực sự có hiệu quả hoàn hảo và không gặp nhiều cản trở về sau thì ngay từ khi bắt đầu thay răng sữa (6-7 tuổi) nên cho trẻ đi kiểm tra răng miệng thường xuyên, để có thể thực hiện nắn chỉnh răng phòng ngừa kịp thời.

Nắn chỉnh răng phòng ngừa cần thực hiện rất sớm ngay khi bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn (khoảng 6-7 tuổi), để điều chỉnh cho hàm răng vĩnh viễn mọc ngay ngắn và đều hơn, giúp cho việc nắn chỉnh toàn diện ở lứa tuổi đã thay hết răng sữa (khoảng 12 tuổi) trở nên dễ dàng và đạt kết quả tốt.

Những trẻ có một trong những dấu hiệu, triệu chứng hay thói quen sau đây cần được điều trị chỉnh hình răng hàm mặt sớm:

- Khi có bất thường trong sự phát triển của răng, quá trình mọc răng và thay răng sữa, quá trình phát triển và mọc răng vĩnh viễn. Ví dụ: răng xoay hay các răng mọc chen chúc, răng mọc sai vị trí, răng xô lệch, không ngay ngắn trên cung hàm; thiếu răng bẩm sinh, răng dị dạng và răng dư, răng sữa mất sớm, răng chậm thay, răng di chuyển do chấn thương.

- Khi trẻ có những thói quen xấu về răng miệng có thể gây sai lệch khớp cắn và những lệch lạc về răng và hàm mặt. Ví dụ: mút tay, mút môi, tật đẩy lưỡi, thở miệng…

- Có những biểu hiện sai khớp cắn như: cắn chìa, cắn sâu, cắn chéo, cắn hở, hô, móm...

- Sự phát triển lệch lạc hay bất hài hòa giữa xương hàm trên và hàm dưới như cung răng và xương hàm hẹp; răng nhô ra trước hoặc răng thụt vào trong, xương hàm nhô ra trước hoặc xương hàm lùi ra sau.

Lời khuyên bác sĩ:

Cha mẹ cần lưu ý loại bỏ một số thói quen xấu về răng miệng khi trẻ còn nhỏ, như thói quen ngậm núm vú giả, thói quen đẩy lưỡi, tật thở bằng miệng, tật nghiến răng, tật cắn móng tay và gặm bút ở trẻ, tật chống cằm và mút môi trên, dùng tăm xỉa răng sau bữa ăn. Nếu không can thiệp sớm, sẽ để lại hậu quả lâu dài cho răng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe chung của cơ thể và thẩm mỹ của khuôn mặt trẻ sau này. Do đó cha mẹ cần chú ý loại bỏ các thói quen có hại cho răng của trẻ, phòng ngừa các thói quen không tốt cho răng, hàm ngay từ lúc trẻ còn bú.

Đưa trẻ đi khám răng định kỳ để bác sĩ kịp thời phát hiện những lệch lạc của hàm răng. Khi trẻ đã có biểu hiện hô, móm, sớm đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để khám, tư vấn và nếu cần thiết, để chỉnh nha sớm. Cần chọn bác sỹ được đào tạo chuyên ngành nắn chỉnh răng, ở các cơ sở y tế đáng tin cậy.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước