Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam với tổng diện tích 29.845 ha, 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có 96 loài thú; 346 loài chim; 63 loài bò sát và 50 loài lưỡng thể. Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên là nơi tiếp nhận, cứu hộ động vật hoang dã duy nhất tại khu vực Tây Bắc.
Theo chia sẻ của anh Lã Văn Tới - Giám đốc Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên, trong vài năm trở lại đây, Trung tâm thường tiếp nhận khoảng 50 đến 60 trường hợp, chủ yếu đến từ hai nguồn: Người dân địa phương nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung chủ động giao nộp; tang vật từ các vụ vi phạm hành chính hoặc vi phạm hình sự. Mỗi cá thể đến với “ngôi nhà chung” Hoàng Liên đều có hoàn cảnh riêng. Có cá thể thì mất tay, mất chân, có cá thể không lành lặn những bộ phận khác, có cá thể lại bị ép sinh sản trong môi trường nuôi nhốt nên mất các tập tính tự nhiên. Thậm chí có những cá thể khi được tiếp nhận thì sức khoẻ rất yếu, mặc dù lực lượng cứu hộ đã thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhưng vẫn không thể qua khỏi.
Anh Tẩn Lổ Quẩy là người con của cộng đồng người Dao đỏ tại tỉnh Lào Cai. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp, anh về công tác tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên (nay là Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên). Anh được nhiều người biết đến là một người yêu thiên nhiên, có cách giao tiếp độc đáo với động vật rừng qua nhiều clip nổi tiếng trên mạng xã hội.
Anh Tẩn Lổ Quẩy có tình yêu đặc biệt với rừng và các loài động vật hoang dã.
Hàng ngày, cứ 7 giờ sáng, anh Quẩy bắt đầu ngày làm việc với việc chăm ăn, huấn luyện và cải tạo sinh cảnh sống cho các loài động vật tại Trung tâm. Anh thuộc tên của rất nhiều bạn trong Vườn, có thể giao tiếp với các bạn thông qua những kiểu ngôn ngữ đặc biệt. Anh Quẩy kể: “Khi chăm sóc các bạn lâu, mình biết thói quen, tập tính và cách giao tiếp của các bạn. Ví dụ, khi mình nhe răng là thách thức khỉ, hoặc khi mình làm hành động bặm môi với chúng tức là thể hiện sự thân thiện.”
Thế nhưng vất vả nhất, phải kể đến những chuyến đi điều tra thực địa. Mỗi năm, anh Quẩy hỗ trợ các chuyên gia từ London (Vương Quốc Anh) đi 2 - 4 đợt công tác, mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tuần. Họ phải ở những lán nghỉ ở độ cao 2200m, 2600m và 2800m so với mực nước biển để khảo sát số lượng, môi trường sống, tập tính của các loài động vật, đặc biệt là cóc mày và cóc răng - 2 loài đặc hữu chỉ có ở VQG Hoàng Liên. Công việc này được xem là rất quan trọng trong công tác bảo tồn, bởi sự tồn vong của một loài vật nhỏ bé thôi nhưng là minh chứng cho thấy môi trường sống của chúng ta đang ở tình trạng như thế nào.
“Những lần đi điều tra vào tháng 9, mặc dù chúng mình mặc nhiều áo và nằm trong túi ngủ nhưng vẫn thấy rõ cái lạnh thấu xương của thời tiết, chưa bao giờ cảm thấy đủ ấm cả. Quá trình điều tra lại luôn được tiến hành vào ban đêm, có lần muộn nhất kết thúc lúc hai giờ sáng. Vậy mà thậm chí thậm chí có những đêm không thu được kết quả nào. ” - anh Quẩy chia sẻ thêm.
Trung tâm tiếp nhận một số cá thể động vật hoang dã.
Anh Tẩn Lổ Quẩy (áo xanh) trao đổi với các chuyên gia về sinh vật rừng.
Xuất phát từ mong muốn giáo dục môi trường cho cộng đồng về động vật hoang dã, năm 2023, anh Quẩy lập kênh Tiktok để chia sẻ nhiều hơn về công việc cứu hộ của mình. Cách kể chuyện hóm hỉnh và những video chân thực đã giúp anh tiếp cận nhiều hơn với người xem trên mọi miền Tổ quốc. Ước mơ đưa động vật hoang dã "đến gần" với con người dần trở thành hiện thực.
Trên kênh của anh Quẩy, một bạn gấu chó được gọi với cái tên dễ thương: “Công chúa Bư” được khá nhiều người quan tâm. Anh kể: “Bư trước đây là nạn nhân của buôn bán động vật hoang dã và do lực lượng công an khu vực tỉnh Điện Biên phát hiện, thu giữ, bàn giao cho Trung tâm. Khi tiếp nhận, Bư vẫn còn đang uống sữa - tức là còn rất nhỏ. Anh chăm sóc Bư từ ngày ấy đến nay đã được hơn ba năm, đồng hành với bạn cả thời điểm bạn dậy thì’. Đó là khoảng thời gian khó khăn với Bư, vì đau nên bạn kêu, phá và rất nghịch.”
Những video chăm sóc động vật khi đăng tải lên mạng xã hội được rất nhiều bạn trẻ thể hiện sự thích thú, tò mò và quan tâm. Bạn H.L bày tỏ: “Mình rất thích công việc của bạn. Nhờ video của bạn mà mình biết thêm nhiều điều”. Hay bạn L.A cũng chia sẻ: “Qua video của bạn, mình thấy sự quan trọng của công tác bảo tồn. Động vật hoang dã ngày càng khan hiếm nên chúng ta cần có trách nhiệm. Công việc của bạn vất vả và nguy hiểm quá, mong bạn giữ gìn sức khoẻ”.
Anh Quẩy và công chúa Bư.
Khỉ mặt đỏ được vinh danh là "Đại sứ Giáo dục".
Qua câu chuyện của anh Quẩy, chúng tôi chợt nghĩ đến câu nói nổi tiếng: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất và trong trái tim người khác”. Giữa một Sa Pa huyên náo với sự phát triển vượt bậc của du lịch và dịch vụ, vẫn có những người thầm lặng như anh Quẩy. Họ lưu dấu chân của mình trên hành trình cứu hộ và bảo vệ động vật hoang dã để giữ hệ sinh thái được lành lặn. Ý nghĩa sứ mệnh của công việc đã trở thành niềm vui vượt lên trên mọi khó khăn, giúp họ có động lực để cống hiến và nỗ lực hơn mỗi ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!