Đến với những vùng cao nguyên đá, bạn sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những dải núi đá tai mèo sắc nhọn xen những khe núi sâu và hẹp, những vách núi đá dựng đứng, cao vút. Để thích ứng với địa hình chia cắt khắc nghiệt như thế, người dân nơi đây đã sáng tạo nên hình thức canh tác hốc đá. Phương thức canh tác độc đáo hình thành từ hàng trăm năm nay là lời khẳng định mạnh mẽ cho ý chí, nỗ lực chinh phục tự nhiên của đồng bào dân tộc H'Mông vùng biên giới phía Bắc.
Đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống ở nơi đây trước có tập tục du canh, du cư, đốt rừng làm nương rẫy. Thế nhưng, giờ họ đã định cư lâu dài ở đây.
Với phương thức canh tác hốc đá, sau khi cày xong, đất và phân bón được trộn đổ vào từng hốc đá. Bên cạnh trồng ngô và tam giác mạch, bà con còn xen vào một số loại cây lương thực và cây lanh để dệt vải. Những khối đá tai mèo chính là kết quả quá trình lao động, sáng tạo cần cù của họ để tạo nên những thửa ruộng bậc thang ngay trên những sườn núi đá.
Có thể nói "Cày trên nương đá" đã trở thành hình ảnh đẹp về sự sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục tự nhiên của đồng bào Mông trên cao nguyên đá. Phương thức canh tác hốc đá cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2014 với loại hình tri thức dân gian.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!