Vào mỗi đầu năm học mới, nhu cầu tìm kiếm nhà trọ tại tăng lên bởi các tân sinh viên từ khắp nơi đến các thành phố lớn để nhập học. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cũng tìm kiếm nhà trọ mới sau 1 tháng nghỉ hè. Công cuộc tìm kiếm nhà trọ dường như không chỉ khó khăn với những tân sinh viên "chân ướt, chân ráo" mà nhiều bạn trẻ khác cũng lầm vào tình cảnh dở khóc dở cười khi đi thuê nhà trọ.
Việc tìm kiếm nhà trọ luôn là vấn đề nan giải của các bạn sinh viên vào mỗi dịp đầu năm học
Bạn Phương Linh - tân sinh viên Cao đẳng Dược (Hà Nội) cho biết cách đây 3 tuần đã thuê được một nhà trọ tại khu vực quận Cầu Giấy thông qua môi giới. Ở được một vài ngày thì phòng trọ Linh bị mất cắp toàn bộ đồ đạc, gần 5 triệu đồng tiền sinh hoạt và tiền đóng học phí cùng chiếc laptop mới mua đều biến mất. Bạn bè của Linh đã cảnh báo có một số môi giới phòng trọ sẽ để ý những trường hợp các bạn gái thuê phòng ở một mình để rình rập, tìm cơ hội trộm đồ nhưng Linh cứ nghĩ là không sao.
Các bạn sinh viên nên tìm chỗ ở khép kín, sạch sẽ, an ninh, tránh thông qua các môi giới nhà trọ.
Khác với Linh, bạn Vũ Văn Sơn - sinh viên Học viện Tài chính (Hà Nội) gặp phải tình trạng oái oăm bởi chính chủ nhà trọ. Khi mới dọn vào ở, chủ trọ tỏ ra tạo mọi điều kiện tốt nhất để khách thuê hài lòng. Nhưng khi kí được hợp đồng và đặt cọc tiền phòng rồi, chủ trọ liền liên tục đưa ra những khoản phí mới như phí vệ sinh, phí sơn sửa, phí lắp đặt nóng lạnh... và ép Sơn phải trả. Nếu không đáp ứng, chủ nhà sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu Sơn phải dọn ra và không được nhận lại tiền đặt cọc.
Mặc dù rất bức xúc nhưng vì không đọc kĩ hợp đồng trước khi kí nên Sơn đành bỏ ra mỗi tháng hơn 500.000 đồng để thanh toán các loại phí mà chủ nhà yêu cầu. Sau khi kết thúc 3 tháng hợp đồng, Sơn quyết định dọn ra một phòng trọ khác và yêu cầu chủ trọ trả lại 2 triệu tiền đặt cọc. Thế nhưng chủ trọ gây nhiều khó dễ, nhiều lần lẩn tránh để quỵt tiền cọc. Sau một thời gian dài không lấy được tiền cọc, Sơn không muốn làm to chuyện và cảm thấy mệt mỏi nên không đòi nữa, chấp nhận mất hẳn số tiền đặt cọc trước đó.
Trước những cạm bẫy thuê phòng trọ, các tân bạn sinh viên không nên đặt toàn bộ niềm tin vào mô giới mà cần phải tham khảo, xem xét kĩ lưỡng ở nhiều nguồn thông tin. Cũng không nên vì "ham rẻ" mà chọn những phòng trọ ở trong ngách sâu, hẻo lánh. Tốt nhất, nên tìm những khu trọ có nhiều người ở, tham khảo những người đã từng ở hoặc ở xung quanh đấy để biết chất lượng phòng trọ ra sao. Riêng đối với các bạn nữ, nên tìm phòng trọ khép kín, an toàn, không thông qua môi giới, nên thay khóa ngay khi nhận phòng.
Khi đi thuê trọ, nên gặp trực tiếp chủ trọ để hỏi về giá thuê, điện nước, giờ giấc và các dịch vụ khác. Quan trọng nhất là cần phải xem xét kĩ hợp đồng thuê trọ, kiểm tra các điều khoản, tiền đặt cọc để chắc chắn sẽ không bị thiệt thòi khi ở lâu dài. Đặc biệt là nên đề nghị trong bản hợp đồng là ai chịu trách nhiệm cụ thể nếu thiệt hại về đồ đạc xảy ra. Chủ nhà cần đảm bảo về chất lượng cơ sở vật chất, nếu thiệt hại do mình gây ra thì sẽ phải chịu những trách nhiệm gì.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!