Cần phải học “lễ” rồi mới đến “hội”

Theo VOV-Thứ tư, ngày 17/02/2016 08:50 GMT+7

VTV.vn - Không có quốc gia nào nhiều lễ hội trong năm như của Việt Nam. Nhưng càng nhiều lễ hội thì lại càng này sinh ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý.

Chỉ tính sơ trong vài ngày đầu của tháng Giêng, trong một phạm vi nhỏ, mấy tỉnh thuộc đồng bằng Sông Hồng đã có hàng chục lễ hội diễn ra. Nhưng như một nghịch lý, càng nhiều lễ hội thì càng nảy sinh ra nhiều tệ nạn phi văn hóa, biến tướng, trần tục… bởi rất nhiều người khi đi “hội” không biết “lễ”.

Với địa hình dài theo hình chữ “S”, với hình thái địa lý vùng miền khác nhau gồm núi cao, đồng bằng, duyên hải, trung du, cùng 54 dân tộc anh em chung sống… , và với một bề dày lịch sử dựng nước, giữ nước kể từ ngày lập nên quốc gia Văn Lang, lễ hội như một thành tố tinh thần, mang tính tâm linh không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch từ năm 2009, trung bình một năm Việt Nam có 7.966 lễ hội; Trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%)…Và đây chưa phải con số cuối cùng về lễ hội mang tính truyền thống, bởi mỗi năm lại có thêm nhiều lễ hội được phát hiện và phục dựng.

Nhưng càng nhiều lễ hội thì lại càng này sinh ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý. Ngoài việc phân cấp mang tính hành chính, thì công tác tổ chức lễ hội từ cấp quốc gia đến cấp làng, xã đều rơi vào tình trạng yếu kém, không “nhìn xa trông rộng” về tầm ảnh hưởng đến cộng đồng, nên gần như lễ hội nào cũng rơi vào các thảm họa như: Ùn tắc giao thông, chen lấn xô đẩy tranh cướp vật phẩm cúng lễ, lạm dụng tín ngưỡng để “mua thần bán thánh”, nạn chặt chém khách hành hương dự lễ hội, nạn mất cắp, xin tiền, nạn mất vệ sinh “toàn tập” làm ô uế những chốn linh thiêng, rồi chuyện tiền công đức từ những cái “hòm” đến tay, chân, miệng các tượng Thần, Phật…

Tất cả như một sự tổng hòa những gì gọi là “vô lễ”, hay mất đi những vẻ đẹp đích thực những giá trị văn hóa tinh hoa, giá trị tâm linh thiêng liêng của lễ hội truyền thống.


Ùn tắc giao thông, chen lấn xô đẩy tranh cướp vật phẩm cúng lễ... là một trong những tình trạng xảy ra liên tục tại nhiều lễ hội lớn.

Ùn tắc giao thông, chen lấn xô đẩy tranh cướp vật phẩm cúng lễ... là một trong những tình trạng xảy ra liên tục tại nhiều lễ hội lớn.

Lễ hội ở Việt Nam là một nhu cầu tâm linh

Lễ hội ở Việt Nam thời công nghệ đã trở thành một sinh hoạt cộng đồng ngày càng thu hút sự quan tâm của mọi người, như một cách về nguồn, tiếp nối truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc...

Lễ hội có sức lôi cuốn hấp dẫn như một nhu cầu, khát vọng, ước mơ của con người cần được đáp ứng, thỏa nguyện qua mọi thời đại, bởi lễ hội là sự tổng hợp, khái quát đến mức gần như hoàn hảo đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong những giai đoạn lịch sử đất nước. Lễ hội dân gian gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng, mang tính thiêng liêng, thuộc thế giới thần linh, đối lập với đời sống hiện thực trần tục. Tính tâm linh và linh thiêng của lễ hội là “ngôn ngữ” đặc biệt, ngôn ngữ biểu tượng, có tính thăng hoa, vượt lên thế giới hiện thực, trần tục của đời sống thường ngày.


Lễ hội ở Việt Nam thời công nghệ đã trở thành một sinh hoạt cộng đồng ngày càng thu hút sự quan tâm của mọi người.

Lễ hội ở Việt Nam thời công nghệ đã trở thành một sinh hoạt cộng đồng ngày càng thu hút sự quan tâm của mọi người.

Lễ hội dân gian còn là một sinh hoạt văn hóa mang tính hệ thống phức hợp, đa dạng, một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể, bao gồm gần như tất cả các phương diện khác nhau của đời sống xã hội của con người: sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, giao tiếp và gắn kết xã hội, các sinh hoạt diễn xướng dân gian (hát, múa, trò chơi, sân khấu…), các cuộc thi tài, vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua bán.

Những năm gần đây, do nhiều chính sách của Nhà nước khôi phục lại các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang bản sắc truyền thống dân tộc Việt Nam, nhiều lễ hội đã được phục hồi lại.


Lễ hội chưa được phân cấp một cách rõ ràng.

Lễ hội chưa được phân cấp một cách rõ ràng.

Nhưng khác với việc phân cấp, phân loại có Luật để điều chỉnh, chế tài về các di tích, thì lễ hội ở Việt Nam chưa được “Luật hóa”, phân cấp một cách rõ ràng, chi tiết: Lễ hội cấp quốc gia, lễ hội cấp tỉnh, lễ hội cấp huyện và lễ hội cấp làng, dòng tộc… với những cơ sở dữ liệu khoa học và quan điểm tiếp cận đúng đắn.

Chính vì thế mà lễ hội đã nảy sinh ra nhiều vấn đề không còn thuần là sinh hoạt văn hóa, tâm linh, kế thừa những di sản tinh thần của cha ông xưa mang tính linh thiêng. Mà trở nên một kiểu sinh hoạt cộng đồng biến tướng, xô bồ, hỗn loạn, phi văn hóa…

Đi “Hội” mà chưa biết “Lễ”

Hàng năm, sắp tới mùa lễ hội là Bộ VH-TT-DL lại tổ chức các hội nghị trực tuyến tại ba điểm cầu thuộc Bắc- Trung- Nam về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong năm. Bởi gần như năm nào những “điệp khúc” cũ tồn tại từ mấy năm trước vẫn nguyên vẹn như công tác tổ chức non kém không có cái “nhìn xa trông rộng”, lạm dụng tín ngưỡng để “mua thần bán thánh” hành nghề mê tín dị đoan, nạn “chặt, chém” khách, nạn ùn tắc giao thông, nạn mất vệ sinh “toàn tập”, sự không thống nhất trong quản lý tiền công đức…, không hề thay đổi tiến bộ hơn, mà đôi nơi còn nảy sinh những vấn đề mới, làm ảnh hưởng rất nhiều đến ý nghĩa, giá trị của lễ hội trong cộng đồng


Người đi lễ hội, ngoài những chuyện “hối lộ” Thần, Thánh bằng tiền, vật phẩm cúng tế, còn góp vào cái sự nhộn nhạo xô bồ của lễ hội.

Người đi lễ hội, ngoài những chuyện “hối lộ” Thần, Thánh bằng tiền, vật phẩm cúng tế, còn góp vào cái sự nhộn nhạo xô bồ của lễ hội.

"Lễ" là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. "Hội" là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống…

Nhưng xem qua những lễ hội lớn của Việt Nam thời gian gần đây, thì phần “Lễ” gần như bỏ ngỏ với những người đi “Hội”, nên hầu như trong lễ hội nào được diễn ra cũng đều xảy ra những hình ảnh thiếu văn minh, văn hóa, thậm chí còn là những “thảm họa”.

Người tham gia lễ hội không phải ai cũng hiểu biết ý nghĩa đích thực của lễ hội đó là gì. Họ đi chỉ vì nghe lễ hội đó thiêng lắm, cầu gì được đó, hay lễ hội này vui lắm, ở đó lắm trò hay… Ngay cả một số lễ hội mà chính những người có trách nhiệm quản lý thuộc cấp quốc gia cũng bị hiểu sai ý nghĩa, như lễ hội Đền Trần với tục Khai ấn đầu năm, lễ hội Đền Bà Chúa Kho…, để biến nơi này thành một cái “chợ” xô bồ, tranh cướp hay buôn thần bán thánh trần tục.


Không gian lễ hội trở thành bát nháo còn hơn chợ trời.

Không gian lễ hội trở thành bát nháo còn hơn chợ trời.

Không phải không có lý do mà tiền nhân xưa đã dựng chùa ở những nơi non cao, rừng thẳm. Là để tạo một không gian yên tĩnh, trang nghiêm, tụ khí thiêng trời- đất để tu hành và ngộ đạo. Người đến chùa là để vãn cảnh, để hòa mình vào thiên nhiên, để nhập vào những minh triết của Đạo Phật…

Nhưng rồi tới ngày nay, những người đi lễ hội đã vô tình biến những nơi đó thành một chốn phàm trần nhộn nhạo, nhếch nhác, năm nào tới lễ hội là đều có cảnh thiếu văn hóa, văn minh, thậm chí còn nhuốm màu báng bổ thần linh.

Chính vì thế mà mới có những chuyện biến tướng “mua thần bán thánh”, hết “đặt lễ thuê”, “khấn vái thuê”, bán những đồ lễ đến chuyện kinh doanh chặt, chém khách đi dự hội tại những lễ hội… Không gian lễ hội trở thành bát nháo còn hơn chợ trời.

Và người đi lễ hội, ngoài những chuyện “hối lộ” Thần, Thánh bằng tiền, vật phẩm cúng tế, còn góp vào cái sự nhộn nhạo xô bồ của lễ hội. Họ đi như một thú vui, như phong trào, thậm chí chẳng hiểu gì về ý nghĩa của lễ hội ngoại trừ “nghe đồn thần linh nơi ấy thiêng lắm, cầu gì được đó”.

Có lẽ thế mà không phải chuyện khôi hài, nhiều khi nghe họ khấn cầu cho đối thủ cạnh tranh trên thương trường thất bát, để họ có nhiều danh lợi…, nghe mà xót cho thánh thần.

Người đi lễ hội, phần đông nhăm nhăm nghĩ về sự “thiêng” của nơi đó, chẳng cần biết gì đến ý nghĩa “gốc” của lễ hội như thế nào, nên đến là để cầu xin những ước mong, mà phần lớn là danh lợi, tiền tài, địa vị, quan tước, bổng lộc… , không loại trừ cả những “xin xỏ” Thần Thánh bảo hộ cho những việc làm bất minh để kiếm lợi, qua mặt công lý.

Biến những lễ hội linh thiêng thành một cái chợ “hối lộ” Thần Thánh bằng những vật phẩm nhuốm màu thương mại như :giấy tiền vàng mã, thức ăn thức uống linh tinh..


Lễ hội cướp Phết (Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ).

Lễ hội cướp Phết (Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ).

Và khi ra khỏi lễ hội, thay vì cảm nhận được những gì thật ý nghĩa của những thông điệp người xưa nhắn gửi thông qua lễ hội, để sống lành, sống tốt, sống có ích cho cộng đồng, thì lại hả hê với giấc mơ sẽ được Thánh Thần phù hộ để thực hiện những dự định danh lợi quan vị, thậm chí cả những mưu mô không trong sáng.

Rất nhiều lễ hội khác nữa trong số gần 8.000 lễ hội hàng năm được tổ chức, gần như một mẫu số chung, phần “Lễ” chỉ như hình thức tượng trưng với cờ quạt, áo xống diêm dúa, như một kiểu sân khấu hóa với những “màn” trình diễn sơ sài…, để rồi sau đó cái phần “Hội” mới là “tả tơi”.

Tính trung bình một ngày ở toàn quốc có khoảng 27 lễ hội các cấp diễn ra. Nên chăng, truyền thông, hãy mở những trang chuyên biệt về lễ hội, truyền đạt những thông tin về nguồn gốc, ý nghĩa, những quy tắc, cách thức, phong tục về “Lễ” và “Hội” của từng lễ hội.

Để khi công chúng đến lễ hội là đến với một di sản văn hóa truyền thống, ngoài niềm tự hào còn là niềm vui, để thanh thản ra về với niềm tin một cuộc sống tốt lành, bình an, hạnh phúc với mình, với gia đình, với quốc gia dân tộc. Chứ không phải là đến với tâm thế của những người “cầu cạnh”, “xin xỏ” Thánh Thần, để tâm bất an, việc bất minh.

Mùa lễ hội vẫn còn tiếp diễn. Theo dân gian” Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai đi lễ, tháng Ba hội hè”, bốn cảnh báo về lễ hội: Quan phương hóa lễ hội, Đơn điệu hóa lễ hội, Trần tục hóa lễ hội, Thương mại hóa lễ hội, xem như vẫn đau đầu các nhà quản lý và tổ chức ở các cấp từ trung ương đến địa phương. Bao giờ lễ hội thuần túy mang ý nghĩa đích thực của lễ hội như một di sản văn hóa truyền thống dân tộc?.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước