Ngũ cốc qua xử lý tinh chế sẽ làm mất đi chất dinh dưỡng có trong cám, mầm như chất xơ, sắt, các vitamin nhóm B. Vì thế, ngũ cốc nguyên hạt (ngũ cốc toàn phần) là một lựa chọn mang lại đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ nhiều hạt ngũ cốc toàn phần làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và một số loại ung thư. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong hạt toàn phần giúp ngăn ngừa táo bón, tốt cho hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Dược sĩ Nguyễn Bích Thủy, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương hướng dẫn cách nấu món cháo ngũ cốc nguyên hạt.
Nguyên liệu: Đậu xanh 30gram, đậu đen 30gram, vừng đen 30gram, lạc 30gram, gạo lứt 30-50 gram.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch các loại hạt, để ráo nước.
- Cho vào rang đến khi hạt gạo lứt chuyển màu.
- Cho các loại hạt còn lại vào nước ngâm trong 2 tiếng đồng hồ.
- Cho toàn bộ 5 loại hạt vào nồi, thêm nước theo tỷ lệ 1 nguyên liệu - 3 nước.
- Đun sôi, để nhỏ lửa đến khi cháo nhừ và sánh.
- Thêm gia vị tùy ý.
Những người không nên ăn cháo ngũ cốc nguyên hạt:
Ngũ cốc nguyên hạt giàu dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được. Nếu bạn rơi vào một trong những trường hợp sau đây thì nên tránh món ăn này:
- Người có vấn đề về đường tiêu hóa không nên dùng, vì chất xơ trong ngũ cốc có thể làm dạ dày bị quá tải, dẫn tới đầy hơi, khó tiêu.
- Người bị bệnh giãn tĩnh mạch thực quản hay xơ gan không nên dùng, vì có thể gây vỡ, xuất huyết và viêm loét tĩnh mạch.
- Người suy nhược cơ thể được khuyến cáo không dùng ngũ cốc nguyên hạt, bởi chứa axit phytic và chất xơ - những chất này sẽ kết tủa trong dạ dày cản trở tới quá trình hấp thụ sắt và canxi. Nghiêm trọng hơn, nó có thể làm tổn thương tới chức năng của xương, tim, máu và suy giảm hệ miễn dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!