Mức hỗ trợ từ 160.000 đồng đến 800.000 đồng/người/buổi theo hoạt động thực hành, biểu diễn hay truyền dạy. Các câu lạc bộ, các đoàn nghệ thuật không chuyên biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng nằm trong diện được hỗ trợ.
Đối với các câu lạc bộ hỗ trợ 30 triệu đồng/lần mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường niên từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng/năm/câu lạc bộ.
Đối với các đoàn nghệ thuật không chuyên hỗ trợ mua sắm trang thiết bị 100 triệu đồng/lần, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường niên từ 2 triệu đồng đến không quá 30 triệu đồng/đoàn/năm. Chính sách hỗ trợ này dành cho 2 bộ môn nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản phi vật thể đại diện nhân loại bao gồm: Hát bội và Bài chòi.
Hát bội Bình Định kết hợp giữa hát và múa võ (Ảnh: Cục Di sản)
Tỉnh Bình Định hiện có 5 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận bao gồm: Hát bội, Bài chòi, Võ cổ truyền, Lễ hội chùa Bà-Nước Mặn, Nghề chằm nón ngựa Phú Gia. Ngoài ra, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 100 lễ hội với nhiều dạng thức lịch sử, văn hóa, làng nghề, tâm linh... đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Định, phần lớn nghệ nhân dân gian có đời sống khó khăn do không có lương, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp hoặc lao động tự do. Còn các CLB, đoàn nghệ thuật hát bội không chuyên trên địa bàn tỉnh cũng hoạt động mang tính tự nguyện, tự túc kinh phí, thiếu nhiều về cơ sở vật chất. Chính sách hỗ trợ này sẽ giúp các nghệ sĩ, nghệ nhân tiếp tục cống hiến, lưu truyền và gìn giữ nghệ thuật truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!