Nghề thổi thủy tinh Xối Trì đã có từ những năm 60. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Trong những năm 60, bằng những công cụ thô sơ, người dân thôn Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã sản xuất ra những đồ dùng bằng thủy tinh từ đơn giản như cốc, chai, lọ, bóng đèn… đến vật trang trí cầu kỳ, đòi hỏi có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Lúc bấy giờ, cả làng luôn tấp nập khách thu mua, các hộ phải ngày đêm đỏ lửa để kịp trả hàng cho khách. Thế nhưng thời huy hoàng của thủy tinh thủ công cũng dần biến mất. Thay vào đó, đang dần chiếm lĩnh thị trường là thủy tinh Trung Quốc với giá thành rẻ hơn, mẫu mã cũng đa dạng. Hình ảnh những lò thổi thủy tinh đỏ lửa ngày ngày đêm, bộn bề những đống nguyên liệu và dãy chai lọ thành phẩm giờ chỉ còn là ký ức.
Một trong số ít người ở Xối Trì (Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định) còn giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Ông Trần Văn Duyên (51 tuổi) - người đã có gần 15 năm làm nghề thổi thuỷ tinh tại thôn Xối Trì, xã Nam Thanh - cho biết hiện tại trong thôn chỉ còn 3 hộ theo nghề này.
Trước đây ông từng làm đủ thứ nghề từ lái xe ô tô, đến thợ bốc vác. Sau một thời gian phụ giúp bố vợ làm các sản phẩm thủy tinh, ông đã quyết tâm theo nghề. Khi vào nghề, ông Duyên mới hiểu thổi thủy tinh vất vả, khắc nghiệt đến thế. Từ sáng sớm, ông đã phải dậy để đốt lò, chờ khoảng 6 tiếng cho nhiệt độ tăng lên ở ngưỡng 1.800 độ C là bắt tay vào việc.
Để học nghề phải bắt đầu từ dễ đến khó và quan trọng nhất là phải kiên trì. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Công việc gắp và thổi thủy tinh tưởng chừng đơn giản nhưng để có những sản phẩm đẹp, hình dạng bắt mắt, người thổi thủy tinh phải rất tinh ý, biết phân chia sức lực và quan trọng hơn là biết dùng hơi để thổi bao nhiêu lâu sẽ đẹp. Học nghề phải bắt đầu từ dễ đến khó và quan trọng nhất là phải kiên trì.
Ông Duyên đang tỉ mỉ tạo ra những chiếc cốc thủy tinh. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Ông Duyên chia sẻ thêm: "Với nghề thổi thủy tinh cần tình yêu đặc biệt và sự kiên trì mới có thể theo đuổi đến cùng. Nghề đã dạy cho mỗi người thợ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, điềm đạm trong công việc cũng như cuộc sống thường ngày. Để làm ra được các sản phẩm ưng ý, người thợ lành nghề phải biết được độ "chín" của thủy tinh. Ban đầu khi mới tiếp xúc với lửa, thủy tinh sẽ có màu xanh, khi đốt đến độ, thủy tinh sẽ chuyển sang màu trắng. Lúc đó chỉ cần hà hơi thổi nhẹ, thủy tinh sẽ phồng ra to nhỏ theo ý muốn".
Trung bình, một mẻ thủy tinh được nấu trong 6 - 7 tiếng. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Những người thợ làm thủ công ở thôn Xối Trì thường làm theo đơn đặt hàng nên không cố định về sản phẩm, mặt hàng chủ yếu là cốc chén, lọ hoa, bóng đèn,…Trung bình, một mẻ thủy tinh được nấu 6 - 7 tiếng, khi nhiệt độ đạt mức cực đại (khoảng 1.800 độ C) thì tan chảy.
Những chiếc cốc đang đỏ rực. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Những chiếc cốc được ủ trong rơm để hạ nhiệt. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Những chiếc cốc đang đỏ rực được vùi vào tro rơm để cho cốc hạ nhiệt từ từ, tránh tình trạng nứt, vỡ. Với 5 thợ thổi, mỗi ngày xưởng cho ra lò khoảng 2.000 chiếc cốc thủy tinh. Thời gian ủ kéo dài khoảng 12-15 tiếng. Khâu cuối cùng là lấy cốc ra, lót rơm giữa các cốc khi chồng vào nhau để tránh va vỡ trong quá trình vận chuyển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!