Bàn tay nối dài sợi chỉ tinh hoa nghề may gối cung đình Huế

Ngọc Hoàng, Phương Anh, Trang Anh-Thứ năm, ngày 20/06/2024 06:36 GMT+7

VTV.vn - Dù Công tôn nữ cuối cùng làm gối trái dựa cung đình Huế đã qua đời, người ta vẫn thấy những chiếc gối mang vẻ uy nghiêm, sang trọng được tiếp nối bởi con của bà.

Những chiếc gối xa xỉ Triều Nguyễn

Quan tâm tới những nét văn hóa độc đáo của Huế, không khó để tôi bắt gặp hình ảnh về chiếc gối có kiểu dáng và hoa văn đặc biệt trong các cung tẩm. Nó có tên là gối trái dựa hay gối tựa và được dùng cho các vua, quan ngày xưa sử dụng để gối đầu, tựa lưng hay tì tay lúc nghỉ ngơi, đọc sách. Vì được sử dụng nhiều ở chốn hoàng cung nên nó còn có cách gọi khác là gối cung đình.

Bàn tay nối dài sợi chỉ tinh hoa nghề may gối cung đình Huế - Ảnh 1.

Những chiếc gối cho vua thường có 5 lá gối đại diện cho 5 chữ: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.

Những chiếc gối này có các nếp gấp, có thể lật mở tùy ý cho mục đích sử dụng. Việc may gối phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt như gối cho vua phải đủ 5 lá, gối của Hoàng Thái Hậu và các quan phải đủ 4 lá. Gối dành cho Vua có hoa văn thêu rồng trên nền vải màu vàng. Gối dựa của Hoàng Thái Hậu được thêu phụng, gối của các quan thường để trơn, vải màu xanh, tím tùy theo màu của ghế đặt gối.

Người đã phục dựng và đưa những chiếc gối từ triều đại phong kiến đến với đông đảo công chúng là cụ bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (1922 - 2023). Xuất thân là một thợ may Cung đình và đã từng may gối cho vua Bảo Đại, bà được coi là “bảo tàng sống” với nghề may gối Cung đình. Sau khi qua đời, từ tâm ý trân trọng nét đẹp văn hóa của dân tộc và tình yêu đối với đấng sinh thành, các con của cụ Trí Huệ đã và đang nối dài sợi chỉ tinh hoa nghề may gối Cung đình Huế. Một trong số đó là người con dâu đã gắn bó với cụ Huệ suốt 40 năm cuộc đời.

Bàn tay nối dài sợi chỉ tinh hoa nghề may gối cung đình Huế - Ảnh 2.

Bức ảnh cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ được treo trong căn nhà nơi cụ từng sinh sống và phục dựng gối Cung đình.

Di sản của mẹ

“Hãy giữ lại cho mẹ cái góc này. Nó là di sản của mẹ” - Đó là những gì cụ bà Trí Huệ nói với bà Lê Thị Liền (SN. 1954) được chính bà kể lại với tôi trong căn nhà nhỏ tại thôn Giáp Đông, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế). Bà là con dâu và là người đầu tiên được cụ Huệ truyền nghề. Suốt những năm tháng sống cùng nhau, mệ Trí Huệ là người kể cho bà Liền nghe tất thảy về cuộc đời của mệ, về những nỗi trăn trở của mình hay cả những tâm sự thầm kín nhất. Khi nhắc về cuộc đời của mệ Trí Huệ, bà Liền không mất quá nhiều thời gian để ngẫm nghĩ, bà mỉm cười và kể một cách từ tốn, nhẹ nhàng: “Mệ là người lúc nào cũng hướng về ông bà tổ tiên, nên mệ muốn làm gối để tưởng nhớ lại thời xưa cũ… Cuộc đời của mệ như vậy là mỹ mãn rồi. Mệ đã đưa được cái văn hóa lên là một, thứ nữa là mẹ có gia đình ‘tứ đại đồng đường’. Dù sức khỏe yếu nhưng mệ là người có ý chí mạnh lắm”.

Bàn tay nối dài sợi chỉ tinh hoa nghề may gối cung đình Huế - Ảnh 3.

Bà Liền và chồng vẫn hay lật mở những bức ảnh cũ về mẹ để ôn lại những kỷ niệm xưa.

Bà Liền đã chính thức làm gối được 15 năm kể từ những ngày đầu tiên ngồi cạnh hỗ trợ mệ Trí Huệ. Bà chia sẻ ban đầu mình cũng không quan tâm và hứng thú nhiều. Nhưng rồi cứ dần dần giúp mệ làm, bản thân bà lại thấy chiếc gối này đẹp, có ý nghĩa rồi bà dần thích và có hứng khởi khi mình làm.

Cầm lên một lá gối, vừa nhét bông vào gối vừa dùng đũa để nén bông, bà Liền nói cho tôi về các công đoạn để làm nên một chiếc gối đẹp: Để tạo nên một chiếc gối hoàn chỉnh sẽ phải trải qua ba công đoạn. Đầu tiên là may khuôn lá gối sao cho vuông vắn. Sau đó là công đoạn nhồi bông. Người thợ nhồi bông sao cho gối không quá mềm vì khi dựa sẽ dễ bị xô nhưng cũng không được quá cứng vì sẽ không thoải mái cho người dựa. Bước cuối cùng là may lớp bọc phía bên ngoài. Lớp vải bọc này có thể thêu thêm các hoa văn đặc trưng cung đình như rồng, phượng… Bà cùng con dâu và con trai của mình làm mỗi người một công đoạn thì mất 3 ngày sẽ ra được một thành phẩm hoàn chỉnh.

Khoảng thời gian đầu khi bắt đầu làm gối, bà Liền cũng gặp rất nhiều khó khăn vì bản thân không biết may vá từ trước. Bên cạnh đó, bà cũng từng là người làm nhiều việc yêu cầu phải vận dụng sức lao động và di chuyển nhiều. Bởi vậy khi chuyển qua một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và phải ngồi yên một chỗ, bà đã cảm thấy rất bức bối. Càng về sau, để các đường kim mũi chỉ gọn gàng, và tạo độ vuông vức cho sản phẩm tốt hơn, bà sử dụng máy may để hỗ trợ. Gánh nặng về kinh tế cũng là một áp lực lớn nhưng chưa bao giờ bà có ý định bỏ nghề mà mẹ tâm huyết.

“Mình vẫn cứ làm, làm để giữ cái nghề thôi chứ tính ra kinh tế thì cũng không được quá nhiều. Vì nó tỉ mỉ mà lại không có nhiều người mua. Tháng nào tôi cũng vẫn cứ làm, không tháng nào không làm cả, để cho mình không bị quên đi cách làm. Tôi chỉ làm đầy một góc nhỏ của mệ, ai mua đi thì tôi lại làm lấp thêm vào để giữ lời hứa giữ cho mệ một góc nhỏ.” - bà Liền bộc bạch.

Bàn tay nối dài sợi chỉ tinh hoa nghề may gối cung đình Huế - Ảnh 4.

Gian nhà nhỏ chứa 1 góc quen thuộc của Mệ Huệ được hai vợ chồng bà Liền gìn giữ với những chiếc gối tựa truyền thống.

Trong suốt quãng hành trình giữ nghề, giữ lấy di sản của mẹ, bà Liền luôn có sự đồng hành, giúp sức của chồng là ông Bùi Quang Thiện (SN.1955). Ông Thiện cảm thấy rất yêu quý những nỗ lực của mẹ và sự gìn giữ của vợ mình đối với văn hóa của dân tộc. Nhìn từng cử chỉ và ánh mắt mà ông dành cho vợ mới thấy ông trân trọng người phụ nữ ấy đến nhường nào.

Bàn tay nối dài sợi chỉ tinh hoa nghề may gối cung đình Huế - Ảnh 5.

Cụ Trí Huệ có hai người con và ông Bùi Quang Thiện là người con út của cụ.

Khi được hỏi liệu sau bà còn có truyền nhân nào nữa không, bà Liền vừa cười vừa đáp lại: “Từ mệ đã truyền cho con dâu là tôi và tôi cũng đã truyền cho con dâu tôi. Còn sau đời con dâu tôi thì tôi không rõ nữa, lúc đó phải chờ xem thế nào”.

Nhìn đôi vợ chồng già nâng niu từng bức ảnh về mẹ, nhẹ nhàng kể về mẹ của mình trong ánh mắt biết cười làm tôi cảm thấy mình cũng tự hào theo. Họ biết ơn và kính cẩn những thứ thuộc về mẹ Huệ. Và sau này, tin chắc rằng, những người con của họ cũng sẽ nhìn về họ như thế - những người đang nối dài sợi chỉ tinh hoa của nghề may gối tựa cung đình.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều kênh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội chia sẻ về câu chuyện của Công Tôn Nữ Trí Huệ và nghề làm gối tựa cung đình. Từ đó giúp cho các sản phẩm gối tựa mang những nét đặc trưng của mảnh đất Huế cổ kính được đến tay nhiều người dùng hơn. Rõ ràng, không chỉ bà Lê Thị Liền, mà chính những người trẻ ngày nay cũng đang ngày càng yêu, quan tâm và mong muốn nối dài hơn nghề làm gối cung đình nói riêng và các làng nghề truyền thống của dân tộc nói chung. Bà Liền hay con dâu của bà không chỉ đang gìn giữ di sản của mẹ hay của một truyền thống gia đình mà nó còn là hành động bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và độc đáo của dân tộc ta.

Bàn tay nối dài sợi chỉ tinh hoa nghề may gối cung đình Huế - Ảnh 6.

Một góc nhỏ quen thuộc của cụ Trí Huệ được các con giữ gìn cẩn thận và vẫn là nơi để những chiếc gối cung đình ra đời hằng ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước