Giữ gìn nếp xưa
Chạp họ là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống trong họ tộc, kết nối giữa những người cùng huyết thống thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Vì thế, phong tục chạp họ của người dân ở mỗi làng quê vào dịp gần Tết vẫn được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Cách đây ít ngày, dòng họ Đinh ở tổ dân phố Tân Mỹ, phường Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) tổ chức chạp họ. Đây là dòng họ lớn của thôn với 230 hộ, 1104 nhân khẩu. Mặc dù công việc cuối năm bận rộn song rất nhiều người trong dòng họ quê ở Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương… lặn lội hàng trăm cây số về dự. Ông Đinh Quốc Việt (72 tuổi), một thành viên của dòng họ Đinh hiện đang lập nghiệp ở Hải Dương tâm sự: "Tôi xa quê từ lâu nhưng mỗi khi dòng họ Đinh tổ chức họp mặt, tôi cùng các con, cháu lại về thắp hương tổ tiên, được gặp gỡ, trò chuyện với anh em họ hàng, tôi cảm thấy vui, hạnh phúc". Tại nhà thờ cụ tổ họ Đinh ở nhà ông trưởng họ, tấm bảng gia phả ghi tên thành viên của 12 đời họ Đinh được thiết kế công phu, treo ở vị trí trang trọng. Sau khi làm lễ thắp hương tổ tiên, hàng trăm người (hầu hết là nam giới) đại diện cho các hộ gia đình) cùng dự họp. Bàn ghế, trà, nước, bánh kẹo, hoa, không gian nhà thờ tổ được bày trí gọn gàng, trang nghiêm, lịch sự. Trong không khí thiêng liêng, ấm cúng với khói hương trầm nghi ngút, đại diện của trưởng họ ôn lại truyền thống, gia phong của dòng tộc, cập nhật tình hình hoạt động, thông tin nổi bật của dòng họ trong năm qua. Cùng đó, khuyên bảo các thành viên, con cháu trong dòng họ tích cực phấn đấu học tập, lao động, công tác, chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước, xứng đáng với truyền thống ông cha đã xây dựng, vun đắp. Kết thúc buổi họp là tiệc liên hoan. Theo thứ bậc, vai vế, các cụ "đầu cành", trưởng chi…ngồi ở vị trí trung tâm. Không khí tiệc chạp họ diễn ra vui vẻ, ấm cúng. Ông Đinh Hùng Mạnh (83 tuổi), đảng viên gần 60 năm tuổi Đảng, đại diện dòng họ Đinh chia sẻ: Ông tổ dòng họ Đinh lập nghiệp, sinh sống tại tổ dân phố Tân Mỹ cách đây khoảng 320 năm. Việc chạp họ được duy trì suốt từ đó đến nay. Các cụ từ 70 tuổi trở lên tham dự không phải đóng góp quỹ liên hoan. Khi trong dòng họ có việc hiếu, hỉ, ban tổ chức của dòng họ gồm hơn 20 người sẽ cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ gia chủ. Gia đình nào sinh thêm thành viên (kể cả nam hay nữ) ngoài sắm lễ báo cáo các cụ tổ, tùy tâm đóng vào quỹ họ. Năm nay, mọi người về dự chạp họ với tâm thế phấn khởi, tự hào hơn khi xã trở thành phường kể từ ngày 1/1/2025. Đến thời điểm này, dòng họ có hơn 100 người có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thoát ly công tác, nhiều thành đạt, là niềm tự hào của dòng họ.
Ở xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) những ngày qua, các dòng họ ở 5/5 thôn của xã đều tổ chức chạp họ. Nét đẹp văn hóa này được duy trì từ bao đời. Trong xã có nhiều dòng họ lớn, như họ Ngô, Ngô Đình, Nguyễn, La… (mỗi dòng họ có từ 100-120 hộ). Trước khi đánh giá tổng kết công tác của dòng họ, thông tin về tình hình KT-XH của địa phương, các dòng họ tổ chức dâng hương tổ tiên ở nhà thờ họ, con cháu đi tảo mộ. Trong buổi chạp họ có nội dung biểu dương, khen thưởng các cháu đạt thành tích xuất sắc trong học tập, gia đình tiêu biểu có nhiều đóng góp xây dựng quê hương. Đồng chí Ngô Hữu Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Cẩm cho biết, từ năm 2022 đến nay, các toàn xã có khoảng 600 hộ tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng các công trình công cộng với diện tích gần 30 nghìn m2, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các dòng họ. Khi làm nhà văn hóa, sân bóng, xây dựng kênh mương…, các dòng họ kêu gọi, vận động con em ủng hộ tiền, giúp ngày công với số tiền hàng tỷ đồng. "Đảng ủy định hướng khi tổ chức, các dòng họ lồng ghép thông tin các chủ trương lớn của xã, thôn để mọi người cùng nắm bắt, thực hiện", đồng chí Thủy nói.
Các thành viên tổ liên gia số 2, thôn 284, xã Quế Nham, huyện Tân Yên (Bắc Giang) tự tay làm những món đồ tiệc tất niên.
Gắn kết mọi người
Cùng với chạp họ, dịp này, ở nhiều tổ dân phố, cơ quan, công sở, doanh nghiệp tổ chức tất niên. Mọi người cùng liên hoan, tổng kết những thành quả đã đạt được trong năm, chia tay năm cũ để chào đón năm mới. Đây là dịp để các gia đình, bạn bè, đồng nghiệp sum vầy, tạo nên không khí ấm cúng, vui tươi, thắt chặt mối quan hệ. Ngày 18/1/2025 (tức ngày 19 tháng Chạp), tổ liên gia số 2, thôn 284, xã Quế Nham, huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức tất niên. Trong tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ chiếc loa với những bài hát về mùa xuân, mọi người cùng nhau dựng rạp, nấu cỗ khiến ai cũng cảm thấy Tết như đang gõ cửa. Tổ liên gia số 2 có hơn 40 gia đình với nhiều thành phần nghề nghiệp (cán bộ nghỉ hưu, làm ruộng, buôn bán, lao động tự do…). Ngoài góp 100 nghìn đồng/người để liên hoan tất niên, nhiều hộ khá giả hỗ trợ thêm tiền mua thực phẩm, thuê rạp, bàn ghế, trang trí... Sau một năm lao động bận rộn, vất vả, mọi người lại cùng nhau liên hoan, tâm sự, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp.
Đối với các công ty, tất niên được xem là mốc thời gian quan trọng để người lao động tụ họp, giao lưu, tổng kết, nhìn lại kết quả hoạt động trong năm qua của doanh nghiệp. Các buổi tiệc diễn ra ở tại nhà hàng hoặc ở công ty. Không chỉ tổ chức tiệc ăn uống, văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo không khí vui tươi, nhiều công ty còn trao các giải thưởng, giấy chứng nhận, giấy khen cho những nhân viên ưu tú của mình. Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ an ninh 24 giờ có trụ sở tại địa bàn phường Song Khê, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) hiện đang quản lý, điều hành khoảng 90 mục tiêu chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh ở các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ở nhiều tỉnh, thành phố (mỗi mục tiêu có khoảng 10 vệ sĩ). Cách đây 4 ngày, Công ty tổ chức tiệc tất niên. Trong khoang rạp dài, lung linh ánh đèn, gần 20 mâm cỗ thịnh soạn được Công ty chuẩn bị chu đáo để chiêu đãi những người quản lý, nhân viên kèm theo các phần quà Tết. Sân khấu được trải thảm đỏ, trang trí đẹp mắt; mọi người vừa liên hoan, vừa giao lưu văn nghệ. Những cá nhân xuất sắc được Công ty mời lên sân khấu để nhận tiền thưởng, quà Tết, giấy khen. Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty cho biết: "Mọi người làm việc ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh nên ít có cơ hội được gặp nhau. Việc tổ chức tiệc tất niên được chúng tôi duy trì nhiều năm nay. Đây không chỉ là buổi gặp mặt, giao lưu, tạo không khí vui tươi, phấn khởi mà còn thể hiện sự tri ân của doanh nghiệp đối với những người lao động".
Đại diện dòng họ Đinh, tổ dân phố Tân Mỹ, phường Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) dâng hương cụ tổ tại nhà thờ của trưởng họ.
Lãnh đạo Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ an ninh 24 giờ tặng giấy khen cho người lao động tại tiệc tất niên.
Có thể thấy, chạp họ, tất niên đã trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, dòng họ, làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp. Những nét đẹp ấy được gìn giữ, vun đắp, lan tỏa trong đời sống xã hội, thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, góp phần quan trọng vào thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Năm 2024, tỷ lệ gia đình được xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa" toàn tỉnh Bắc Giang là hơn 94%; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa là hơn 91%. Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hoạt động tổng kết, liên hoan, gặp mặt sẽ tiếp tục diễn ra. Trong quá trình tổ chức, các gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, hương ước, quy ước chung của khu dân cư, bảo đảm các hoạt động diễn ra vui vẻ, tiết kiệm, an toàn, văn minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!