Kiểm soát chi tiêu của bạn
Quản lý tiền bạc không chỉ là tính toán các con số. Thông thường, chính cảm xúc của bạn sẽ thúc đẩy các quyết định tài chính của bạn. Khi nghĩ về tài chính cá nhân, hầu hết chúng ta đều hình dung kế toán viên hoặc chuyên gia lập kế hoạch tài chính là những chuyên gia có thể giúp chúng ta lập ngân sách.
Nhưng đối với nhiều người, quản lý tiền bạc vừa là vấn đề cảm xúc vừa là vấn đề thực tế, chuyên gia trị liệu tài chính Jane Monica-Jones giải thích. Monica-Jones cho biết: "Cho dù đó là căng thẳng khi kiếm sống, cảm giác tội lỗi khi chi tiêu quá mức hay sự lo lắng khi xem sao kê ngân hàng, tiền bạc thường khơi dậy những cảm xúc khó kiểm soát".
"Trạng thái cảm xúc cao độ - dù là do căng thẳng hay phấn khích - có thể áp đảo hệ thần kinh, làm lu mờ phán đoán và dẫn đến các quyết định tài chính kém" - cô nói thêm.
Cảm xúc của bạn ảnh hưởng đến "mối quan hệ" của bạn với tiền bạc như thế nào?
Monica-Jones cho biết: "Một báo cáo của Illion về chi tiêu của người tiêu dùng trong giai đoạn đầu của COVID_19 cho thấy mức giảm tiền hưu trí tăng mạnh, cùng với chi tiêu cho mua sắm trực tuyến, rượu và cờ bạc. Điều này cho thấy rằng khi bị căng thẳng nghiêm trọng, chúng ta thường đưa ra những quyết định tài chính kém".
Monica-Jones chỉ ra rằng những điều xảy ra trong cuộc sống đều có thể góp phần làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định tài chính. Nhưng Monica-Jones cũng cho biết đôi khi cần phải quay ngược lại thời thơ ấu của một người để hiểu tâm lý của họ về tiền bạc.
"Đối với những người đã phải đối mặt với sự gián đoạn đáng kể khi lớn lên - trải qua chấn thương hoặc có cấu trúc gia đình không ổn định - họ có thể cảm thấy mình không có đủ công cụ để xử lý các nhu cầu của cuộc sống" - Monica-Jones nói - "Tiền bạc đóng vai trò như một tác nhân gây ra cảm giác choáng ngợp này, vì vậy căng thẳng về tài chính không chỉ liên quan đến tiền bạc mà còn phản ánh những thách thức sâu sắc hơn về mặt cảm xúc và tâm lý".
Chuyên gia trị liệu tài chính có thể giúp gì?
Không giống như cố vấn tài chính, người có thể hướng dẫn bạn cách sử dụng tiền của mình, Monica-Jones giải thích rằng chuyên gia trị liệu tài chính kết hợp chuyên môn tài chính với hiểu biết về mặt cảm xúc để giúp mọi người hiểu được "lý do" đằng sau thói quen chi tiêu của họ.
Monica-Jones: "Tôi làm việc với những người phải đối mặt với những thách thức tài chính liên tục – như phải vật lộn để tuân thủ ngân sách, chi tiêu quá mức hoặc cảm thấy choáng ngợp khi lập di chúc. Đây là những vấn đề mãn tính sâu sắc hơn nhiều so với việc quản lý tiền bạc thực tế".
"Tôi giúp những người cảm thấy bất lực hoặc thiếu tự tin trong việc quản lý tài chính của mình và cố gắng giải quyết các mô hình cảm xúc và tâm lý đằng sau những vấn đề dai dẳng này" - cô nói thêm.
Bằng cách khám phá cảm xúc sâu sắc của khách hàng về tiền bạc, Monica-Jones sau đó làm việc với họ để tạo ra các thói quen tài chính lành mạnh hơn.
Những cách đơn giản để quản lý cảm xúc của bạn xung quanh tiền bạc
1. Nhận biết các tác nhân gây cảm xúc khi chi tiêu
Một trong những bước đầu tiên để giảm căng thẳng về tài chính là nhận biết khi nào cảm xúc thúc đẩy việc chi tiêu của bạn. Monica-Jones gợi ý bạn nên suy ngẫm về những lần mua sắm trước đây và những cảm xúc đằng sau chúng.
"Hãy cân nhắc liệu chúng được thực hiện vì căng thẳng, buồn chán hay ăn mừng?" - cô nói.
Để giúp tránh mua sắm mà sau này bạn sẽ hối hận, Monica khuyên bạn nên dành một chút thời gian tạm dừng để suy nghĩ thật chắc chắn trước khi đưa ra quyết định.
"Hãy thử đợi 24 giờ để xem cơn thèm có qua đi không" - cô ấy nói - "Điều này có thể giúp ngăn chặn việc mua sắm bốc đồng do cảm xúc nhất thời thúc đẩy".
2. Tạo danh sách "Muốn và Cần"
Phân loại các lần mua sắm thành "muốn" và "cần" giúp làm rõ các ưu tiên và duy trì kiểm soát thói quen chi tiêu, Monica-Jones nói.
"Bằng cách viết ra những mặt hàng thiết yếu so với những mong muốn không thiết yếu, bạn có thể đánh giá tốt hơn những mặt hàng nào thực sự mang lại giá trị cho cuộc sống của mình, giúp bạn dễ dàng tránh được những khoản chi tiêu không cần thiết" - cô nói.
3. Đặt ra giới hạn cho việc tặng quà
Mặc dù thỉnh thoảng tặng quà cho những người mình yêu thương là điều tốt, nhưng Monica-Jones cho biết việc tặng quà có thể gây căng thẳng về mặt cảm xúc, thường dẫn đến việc chi tiêu quá mức vì tình yêu hoặc nghĩa vụ. Cô ấy khuyên bạn nên đặt ra giới hạn để giúp kiềm chế sự nhiệt tình của bạn đối với việc tặng quà.
4. Lập ngân sách có chánh niệm
Chánh niệm không chỉ dành cho thiền định mà còn có thể là một công cụ mạnh mẽ để quản lý tiền bạc. Monica-Jones cho biết: "Áp dụng chánh niệm vào các quyết định tài chính có nghĩa là phải hiện diện và nhận thức được cách chi tiêu phù hợp với các giá trị và mục tiêu của bạn".
"Cách tiếp cận này có thể giúp hạn chế việc mua sắm bốc đồng và khuyến khích mua sắm có suy nghĩ hơn".
Cô đề xuất các công cụ như ứng dụng lập ngân sách hoặc nhật ký chi tiêu để hỗ trợ theo dõi chi phí và nâng cao nhận thức về thói quen tài chính.
5. Xây dựng quỹ khẩn cấp
Monica-Jones cho biết việc có một khoản dự phòng tài chính có thể mang lại sự an tâm và giảm bớt lo lắng về các khoản chi tiêu bất ngờ.
"Bạn có thể bắt đầu từ những khoản nhỏ bằng cách tiết kiệm thậm chí chỉ vài USD mỗi tuần".
6. Tự giáo dục bản thân
"Việc nâng cao hiểu biết về tài chính có thể giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt và tự tin hơn khi quản lý tiền bạc của mình" - Monica Jones cho biết.
Cô khuyên bạn nên tìm hiểu về tài chính cá nhân thông qua sách, podcast hoặc các khóa học trực tuyến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!