5 điều nên làm khi nghi ngờ mình mắc chứng trầm cảm

Mai Linh (theo CNN)-Thứ sáu, ngày 08/12/2023 06:06 GMT+7

VTV.vn - Chuyên gia chia sẻ thông tin về chứng trầm cảm cùng các phương pháp để ngăn ngừa và chữa trị bệnh.


5 điều nên làm khi nghi ngờ mình mắc chứng trầm cảm - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Theo một cuộc thăm dò của Gallup Poll vào năm 2023, gần 18% người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ đang bị trầm cảm hoặc đang điều trị trầm cảm. Trong khi đó, vào năm 2015, con số này là dưới 11%.

Theo các dữ liệu của trung tâm Phân tích và Tư vấn uy tín, Gallup Poll đã cho thấy các trừng hợp mắc chứng trầm cảm lâm sàng đã dần gia tăng ở Mỹ trước đại dịch và sau đại dịch lại càng tăng cao. Đối với thanh thiếu niên, tình trạng này là rất đáng lo ngại. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), 20% số thanh thiếu niên đã trải qua một giai đoạn bị trầm cảm nặng vào năm 2021, với 3,7 triệu người bị suy giảm tinh thần nghiêm trọng.

Bác sĩ tâm thần Charles Raison, giáo sư về sinh thái con người và tâm thần học tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết bản thân ông cũng đã phải vật lộn với chứng trầm cảm. Ông chia sẻ dù sự gia tăng chứng trầm cảm ở người Mỹ đáng báo động, chúng ta vẫn không thể xác định được nguyên nhân của sự gia tăng này. 

Điều trị trầm cảm cũng là một công việc hết sức khó khăn. Có một vài loại thuốc có thể điều trị trầm cảm, tuy nhiên chúng không có tác dụng đối với tất cả mọi người. Raison nói: “Thuốc chống trầm cảm hiện nay đã không còn hiệu quả giống như lúc nó mới được phát minh vào 30 năm trước. Chỉ khoảng 30% bệnh nhân là có thể sử dụng thuốc hiệu quả". 

Raison đã chia sẻ một số phương pháp có thể giúp ích cho người bị trầm cảm.

Điều trị cũng chuyên gia

“Nếu bạn luôn cảm thấy chán nản, mất hứng thú với cuộc sống, chán ăn, giấc ngủ bị đảo lộn, có ý nghĩ tự làm tổn thương bản thân thì đó chính là biểu hiện của chứng trầm cảm. Việc gặp bác sĩ lâm sàng để chẩn đoán sẽ giúp ích cho bạn.”, Raison nói.

Duy trì lối sống lành mạnh

Raison nói: “Những hoạt động có lợi cho sức khỏe thể chất như duy trì cân nặng hợp lý, ăn thực phẩm lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, đón ánh nắng mặt trời cũng có lợi cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Bạn hãy cố gắng duy trì chúng để giảm thiểu sự ảnh hưởng của chứng trầm cảm”.

Ở bên mọi người

Raison nói: “Duy trì mối quan hệ với mọi người xung quanh có thể góp phần giúp bạn tránh bị trầm cảm và cũng là một yếu tố lớn có thể giúp bạn vượt qua bệnh trầm cảm”.

Cố gắng kiên trì

Raison nói: “Thuốc điều trị trầm cảm không phản ứng với tất cả người bệnh một cách giống nhau. Có một số người dùng thuốc và khỏi sau vài tuần. Một số khác thì phải vật lộn trong một thời gian dài. Điều quan trọng là bạn đừng nên bỏ cuộc. Nếu liệu pháp này không tác dụng thì bạn nên thử một số liệu pháp khác”.

Duy trì trạng thái "biết ơn"

Trạng thái "biết ơn" một điều gì đó, sẽ giúp bạn dần nhìn nhận cuộc sống theo hướng tốt đẹp và tích cực. Raison nói: “Bạn nên duy trì trạng thái "biết ơn". Nó không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng nếu bạn có thể biến nó thành thói quen thì nó có tác dụng rất lớn trong việc ngăn ngừa chứng trầm cảm và cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước