Khán giả xem lại phim cũ - Nỗi buồn điện ảnh Việt Nam?

Việt Hùng-Thứ bảy, ngày 09/03/2013 14:55 GMT+7

Khán giả trở lại với các bộ phim cũ của điện ảnh Việt Nam(Ảnh minh họa)

 Thực tế nhiều người đang ngồi tại nhà và xem lại những bộ phim Việt Nam đã sản xuất từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước. Vì sao khán giả lại lựa chọn như vậy trong khi những bộ phim này đã quá lỗi thời về công nghệ?

Khi internet đã là một phương tiện không thể thiếu trong các gia đình và người ta không thể đếm hết được số trang web cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến với những kho phim gần như không có giới hạn thì giờ đây, có một số lượng khán giả không nhỏ đang quay trở lại với những bộ phim trong nước đã được sản xuất cách đây 4, 5 chục năm.

Câu hỏi đặt ra rằng: Vì sao, những khán giả này lại sẵn sàng bỏ thời gian để xem lại những bộ phim tưởng như đã quá lỗi thời so với công nghệ điện ảnh hiện đại.

Chị Nguyễn Đức Hạnh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Khi xem lại những phim đó tôi thấy chiều sâu nội dung, có tính nhân văn cao. Tôi cảm thấy phim lột tả được đời sống và hiện thực xã hội thời điểm đó, thấy được như có một phần cuộc sống mình trong phim. Vì thế mà xem phim xong mình có nhiều điều suy ngẫm, chiêm nghiệm”.

‘ Khán giả đang trở lại với các bộ phim cũ vì không có tác phẩm đáng xem ở hiện tại

Bà Trần Thị Thuận, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Ngày xưa tôi hay đi xem phim lắm. Cứ có tiền là tôi mua vé đến rạp xem. Mà xem xong thấy thích vì người ta thấy được những điều nhân văn trong cuộc sống, để yêu đời hơn, từ đó phấn đấu sống sao cho đẹp. Còn bây giờ điện ảnh chắc là do thương mại hóa nên tôi thấy cái gì cũng nhàn nhạt, không có chiều sâu”.

Nhiều nhà làm phim sẽ lý luận rằng, đối tượng chính của điện ảnh bây giờ không phải là các bà già chuẩn bị hoặc đã về hưu, không bao giờ chịu bỏ tiền đến rạp mà đối tượng chính là giới trẻ nên phải thu hút họ bằng những bộ phim có hình ảnh bắt mắt, hiện đại.

Tuy nhiên, họ sẽ trả lời ra sao khi ngay chính giới trẻ cũng chưa thật sự mặn mà với ngay cả những bộ phim trong nước được cho là có hình ảnh đẹp và đã được quảng cáo và đánh bóng một cách rầm rộ.

Nguyễn Thu Huyền, bạn trẻ sống tại quận Hoàn Kiếm cho biết: “Thật sự đã bỏ thời gian ra đi giải trí tôi muốn phải được đáp ứng nhu cầu bản thân, phải được xem những bộ phim thật hay, vừa có hình ảnh đẹp, nội dung sâu sắc lại phản ánh được hiện thực. Chứ phim Việt bây giờ cứ nhờ nhờ, những vấn đề đặt ra trong phim cứ nhàn nhạt trôi đi”.

Rõ ràng trong điều kiện thị trường điện ảnh tràn ngập phim ngoại như hiện tại, khán giả đang ngày càng đòi hỏi cao hơn đối với các sản phẩm phim trong nước. Cũng chắc chắn một điều, không thể dùng những cảnh quay lạ mắt, hay những gương mặt đẹp của hoa hậu, người mẫu để khỏa lấp đi những yếu kém về kịch bản, nội dung và cả sự diễn xuất hời hợt, nhạt nhẽo của những diễn viên không chuyên ấy.

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia cho biết: “Nếu có cười khán giả cũng muốn được cười một cách sảng khoái nhất, có khóc khán giả cũng muốn được khóc một cách xúc động nhất chứ không thể nhờ nhờ mà hấp dẫn người ta được”.

Dù đối tượng chính là giới trẻ hay thế hệ những người lớn tuổi, thì điều quan trọng cuối cùng của điện ảnh vẫn phải làm sao kéo được họ đến với rạp chiếu phim, khiến khán giả phải bỏ tiền ra để xem phim. Phải đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả bằng những bộ phim có chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật.

Nếu để một số lượng không nhỏ khán giả như thế ngồi tại nhà mà xem lại các tác phẩm điện ảnh đã sản xuất cách đây đến nửa thế kỷ thì thực sự đáng thất vọng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước