ĐD Nhâm Minh Hiền: Phim Việt đã khởi sắc và có chỗ đứng

ĐL.Nhân Ái-Thứ tư, ngày 19/03/2014 16:01 GMT+7

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền nhận giải cho Đạo diễn xuất sắc và Phim xuất sắc thể loại phim truyền hình. (Ảnh: ĐL.Nhân Ái)

Đã 4 ngày trôi qua kể từ sau chiến thắng giành được tại Cánh diều vàng, Nhâm Minh Hiền – đạo diễn của phim Thuyền giấy, bộ phim bội thu nhất năm nay ở hạng phục dành cho phim truyền hình – nói anh "vẫn còn cảm thấy lâng lâng và tất cả giống như một giấc mơ”.

Diễn tả cảm xúc trong phần đầu cuộc trò chuyện với VTV Online, đạo diễn Nhâm Minh Hiền khẳng định: “Nhận được giải thưởng từ Hội điện ảnh là một vinh dự và sự vinh dự như còn lớn hơn nhiều khi bộ phim của chúng tôi nhận được tới 4 Cánh diều vàng tại 4 hạng mục cho Đạo diễn xuất sắc, Phim xuất sắc và Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc thể loại phim truyền hình. Đây là sự ghi nhận cho cả đoàn làm phim Thuyền giấy”.

4 giải vàng thật sự là một chiến thắng lớn!

- Vâng. Được một giải vàng đã khó mà chúng tôi nhận được tới 4 giải. Tôi rất xúc động và đến bây giờ cảm giác vẫn còn hay hay sao đó. Đặc biệt khi tôi trở về Sài Gòn, gặp anh em và lại nhận được những lời chúc mừng thì càng cảm thấy hưng phấn và xúc động hơn.

Tại lễ trao giải đã có nhận xét rằng phim truyền hình của Việt Nam đang khởi sắc, đã đủ sức cạnh tranh với phim Hàn… Anh nghĩ như thế nào về lời nhận xét này?

- Ở ngoài Bắc tôi không nắm rõ vì không làm việc ở ngoài đó, nhưng ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh cũng như khu vực miền Nam, miền Tây thì tôi có thể khẳng định khán giả ở đây rất thích xem phim Việt và họ đón chờ phim Việt một cách hào hứng, nhiệt tình. Có nhiều phim của chúng ta đạt rating cao. Tôi tham dự nhiều hội thảo thì mọi người vẫn rất ủng hộ phim Việt.

Phim Hàn bây giờ nhiều phim giống nhau, rất đơn điệu và nhàm chán về cách thể hiện, đề tài cũng như công thức giống nhau. Lâu lâu mới nổi bật lên một phim hay. Phim Hong Kong, Đài Loan thì rất cường điệu và nó không còn phù hợp với thị hiếu khán giả thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam nữa. Những phim chúng tôi làm ra đáp ứng thị hiếu của khán giả vì họ thích xem phim Việt và đón chờ phim Việt nhiều hơn phim nước ngoài. Do đó chúng tôi có nhiều cơ hội để làm phim.

Theo anh cách nhìn đó có quá lạc quan không và thật sự phim của mình đã đủ lực cạnh tranh với phim truyền hình nước ngoài, tiêu biểu như phim Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn đang được phát sóng rất nhiều trên các kênh truyền hình của Việt Nam?

- Nói việc để thắng thế phim nước ngoài, về mặt nghề nghiệp và bếp núc làm ra một bộ phim truyền hình thì làm sao chúng ta so bì kịp sự tiên tiến của họ. Nhưng tôi lưu ý với các bạn một điều rằng phim nào qua tới Việt Nam cũng đều đã được chọn lựa trước khi mua. Mình đã loại trừ hết khi mua rồi và như vậy thì làm sao mình phát hiện được những phim dở của người ta? Mình thường mua phim hạng A, những phim có chất lượng, có giá trị nghệ thuật. Chúng ta phải tỉnh táo nhìn nhận điều đó.

Nhưng rất khó yêu cầu khán giả hiểu được những điều như anh vừa nói.

- Nhưng tôi nghĩ qua một số phim có rating cao của phim Việt thì hiện tại phim Việt rất thắng thế tại kênh HTV. Một số đài tỉnh họ không có kinh phí sản xuất thì họ lấy phim nước ngoài phát sóng nhưng tôi tin nếu họ có kinh phí họ sẽ sản xuất những bộ phim về quê hương đất nước và lúc đó chắc chắn khán giả sẽ đón xem. Người miền Tây luôn đón chờ những sản phẩm của người Việt mình.

‘ Một cảnh trong phim Thuyền giấy - bộ phim đã nhận 4 Cánh diều vàng tại thể loại dành cho phim truyền hình. (Ảnh: VnE)

Trong thập niên cuối 80, đầu 90 mình bị ảnh hưởng bởi phim TVB. Giữa 90, lấy mốc từ năm 94-96 cho đến bây giờ mình bị ảnh hưởng của phim Hàn. Đứng từ góc nhìn của anh, việc mình luôn có đối thủ như thế thì sự tích cực của nó với phim Việt mình là gì?

- Đối với tôi, cạnh tranh để vươn lên là điều tốt và quy luật phát triển là sự cạnh tranh và nghệ thuật với tôi không có nấc thang cuối cùng. Nghệ thuật phải cạnh tranh, học hỏi và vươn lên hàng ngày, hàng giờ. Những phim của nước bạn cho chúng ta cái nhìn tổng thể về phim truyền hình nhiều tập vì thật ra chúng ta không có trường lớp đào tạo bài bản nào về điều này. Bản thân tôi cũng xem phim truyền hình nhiều tập của các nước để tìm ra kinh nghiệm và những công thức cho mình.

Tôi học kinh nghiệm của nước ngoài nhưng tôi học về cấu trúc phim, phương pháp phân cảnh chứ không học văn hóa của họ đưa vào phim mình. Tôi không rập khuôn, tôi áp dụng một cách khoa học.

Chúng ta quay lại một chút với phim Hàn Quốc. Anh nghĩ yếu tố họ hơn mình ở đây là gì?

- Họ hơn mình rất nhiều về tài chính nhưng vấn đề chính là máy móc kỹ thuật của họ rất dễ sợ. Tất cả những gì đạo diễn muốn – khung hình ra sao, ánh sáng thế nào – thì đều được như ý. Hiện tại, với điều kiện của mình mình có muốn tạo ra những khung hình đẹp, sang trọng thì cũng chỉ đạt được ở mức tương đối. Với trào lưu kỹ thuật số, phát triển như hiện nay chúng ta làm sao bì kịp với họ.

Ví dụ như ánh sáng, chúng ta vừa chuyên nghiệp vừa không chuyên nghiệp vì 50% ánh sáng của chúng ta là tự chế. Vậy thì chất lượng, màu sắc của chúng ta làm sao bằng họ được? Điểm nữa là đội ngũ tay nghề của họ được đào tạo bài bản, mọi việc liên quan đến kỹ thuật của họ đều rất bài bản.

Mình đang nói về sự chuyên nghiệp phải không?

- Đúng rồi! Họ chuyên nghiệp hơn mình. Tôi có những người bạn, những nhà sản xuất là người Hàn Quốc, khi ngồi chung hội thảo thấy cách thức của họ rất chuyên nghiệp. Họ lựa chọn những người từ ánh sáng, thiết kế cho đến thư ký, hóa trang, phục trang, trợ lý… không có ai là nghiệp dư mới bước vào nghề cả. Tất cả đều được rèn luyện qua các lớp đào tạo và họ không sử dụng đội ngũ ra hiện trường mà không biết gì, nhưng ở Việt Nam thì có hiện tượng đó. Không phải đoàn nào cũng thế nhưng chúng ta có những hiện tượng như thế.

Trong việc tổ chức sản xuất họ bàn bạc rất kỹ trước khi thực hiện, để đáp ứng được tiêu chí cao nhất. Mình thì có khi ra tới hiện trường mới tính. Người Việt mình thông minh hơn họ, mình có thể biến hóa và viết kịch bản được ngay tại hiện trường, ngồi viết liền bối cảnh mới tinh mà vẫn hay như thường. Mình giỏi chứ nhưng cách tổ chức của mình không chuyên nghiệp.

Cơ động như 113?

- Đúng! Ở nước ngoài trước khi làm họ bàn rất kỹ giữa các tổ với nhau nên khi họ bắt tay vào làm là các khâu cứ thế chạy, rất yên ắng, không lộn xộn như mình. Ở mình mọi người tự làm và có vấn đề gì thì mỗi người lại chạy ra hỏi đạo diễn...

Qua những gì anh nói thì mình đã có cái nhìn tổng thể về những khó khăn phim truyền hình Việt Nam. Vậy nói một cách tích cực anh sẽ nói gì?

- Anh em mình đang phải làm việc trong một môi trường khắc nghiệt trong khi nhu cầu của mọi người thì tăng lên. Mình làm phim phải lấy công để bù vào chi phí vì chi phí của mình không nhiều. Diễn viên thì cat-sê mỗi ngày một cao, chi phí trả cho bối cảnh cũng thế, trong khi lương của anh em không tăng. Tuy nhiên, tôi nghĩ anh em đã rất cố gắng, vượt qua những khó khăn để phục vụ khán giả, để khán giả không quay lưng lại với phim Việt. Đó là sự cố gắng lớn. Anh em cũng nói với nhau là phải cạnh tranh với phim nước ngoài sao cho người ta không coi thường mình và mình phải cố gắng qua chất lượng phim để các phim của mình được khán giả đón nhận.

Phim Việt hiện nay sản xuất ít đi không phải do khán giả quay lưng mà là các đài truyền hình bây giờ duyệt kịch bản kỹ hơn, không tiếp nhận một cách ồ ạt như trước nữa. Tất cả chậm lại nhưng chậm mà chắc.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! Hy vọng trong tương lai phim truyền hình Việt sẽ có chỗ đứng vững chắc trên chính đất nước mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước