Đạo diễn nổi tiếng người Mỹ gốc Đài Loan - Lý An - được xem là niềm tự hào của điện ảnh châu Á bởi cho tới giờ ông vẫn là một trong những cái tên ít ỏi của giới làm phim châu Á có thể thành công lớn tại thị trường điện ảnh phương Tây. Lý An là đạo diễn của những bộ phim nổi tiếng như Ngọa hổ tàng long, Chuyện tình sau núi, Cuộc đời của Pi…
Lý An, vị đạo diễn 61 tuổi, đã làm nên lịch sử khi trở thành người châu Á đầu tiên nhận được giải Oscar hồi năm 2006 (giải thưởng dành cho Đạo diễn xuất sắc với phim Chuyện tình sau núi) và giải Quả cầu vàng năm 2001 (với phim Ngọa hổ tàng long).
Năm 2013, Lý An tiếp tục giành được tượng vàng Oscar thứ hai cho vai trò đạo diễn của mình với phim Cuộc đời của Pi.
Không nghi ngờ gì, đạo diễn Lý An đã có một sự nghiệp thành công “ngoài sức tưởng tượng”, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Lý An một lần nữa lại thể hiện niềm cảm kích dành cho người vợ từ thuở tào khang của mình vì bà đã giúp ông nhận ra những ước mơ đích thực trong cuộc đời.
Sinh ra ở một vùng quê của Đài Loan, Lý An đã xin vào học chuyên ngành điện ảnh tại trường Đại học Illinois (Mỹ) hồi năm 1978, đi ngược lại mong muốn của cha mình.
Chính việc không làm theo những kỳ vọng của cha đã khiến hai cha con Lý An trở nên bất hòa: “Đi ngược lại mọi lời khuyên răn của cha, tôi lên máy bay sang Mỹ. Điều này khiến mối quan hệ giữa hai cha con trở nên căng thẳng. Suốt hai thập kỷ sau đó, chúng tôi trò chuyện với nhau không quá 100 câu”.
Chỉ cho tới khi đã tốt nghiệp ra trường, lúc đó, Lý An mới thực sự hiểu lý do tại sao người cha mang tư tưởng truyền thống của mình lại kịch liệt phản đối ước mơ trở thành nhà làm phim của con trai. Suốt 6 năm sau khi ra trường, Lý An phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, chấp nhận những công việc thời vụ, không chắc chắn và cũng chẳng có tương lai.
Ông từng là một trợ lý biên tập phim, là người chuyên quản lý, sửa chữa những thiết bị trong đoàn phim. Ở tuổi 30, Lý An phải đối diện với thực tế khắc nghiệt: “Tôi thậm chí còn chẳng thể tự chu cấp đầy đủ cho cuộc sống của mình. Tôi có thể làm gì đây? Cứ tiếp tục chờ đợi cơ hội hay từ bỏ ước mơ? Chính lúc này, vợ tôi đã dành cho tôi sự động viên vô giá”.
Lý An đã kết hôn với người bạn gái ở trường Đại học - bà Lâm Huệ Gia, một cử nhân chuyên ngành sinh vật học và công tác trong lĩnh vực điều chế dược phẩm. Hai người đã cùng chật vật gây dựng gia đình, nuôi dạy con cái bằng khoản thu nhập ít ỏi nhưng ổn định mà vợ ông kiếm được. Những khoản thu nhập mà Lý An đem về không đều đặn và cũng không đáng kể.
“Để bớt đi cảm giác có lỗi, tôi chủ động làm tất cả mọi việc nhà, từ nấu nướng, lau dọn, chăm sóc con, bên cạnh những công việc mà tôi yêu thích như đọc sách, bình phim và viết kịch bản”. Tình trạng tài chính khó khăn của hai vợ chồng đã khiến cha mẹ vợ của Lý An đưa cho con gái một khoản tiền với mong muốn rằng cậu con rể “nghề nghiệp không ổn định” sẽ dùng khoản tiền này để mở một tiệm ăn nơi trời Tây.
Lúc này cảm thấy mình đã quá mắc nợ vợ con vì không thể nào chu cấp tài chính ổn định cho gia đình, Lý An liền đăng ký học một khóa học về máy tính tại một trường cao đẳng cộng đồng ở gần nhà.
“Chỉ sau vài ngày theo học ở đây, tôi đã rơi vào trạng thái khó chịu. Vợ tôi nhận thấy cách hành xử bất thường của tôi, cô ấy đã lục túi và tìm thấy tờ thời khóa biểu. Sáng hôm sau, ngay trước khi đi làm, vợ tôi bất ngờ quay trở lại và đứng trên bậc thềm trước nhà rồi nói: An, đừng quên ước mơ của anh” - Lý An nhớ lại.
Những ước mơ của Lý An khi đó tưởng như đã bị nhấn chìm vì những nhu cầu bức thiết của cuộc sống, nhưng chỉ nhờ một câu nói ngắn gọn của vợ, những ước mơ ấy đã sống dậy. Một thời gian sau đó, Lý An bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc trong sự nghiệp khi ông nhận được tiền đầu tư và bắt đầu thực hiện những dự án phim đã ấp ủ bấy lâu.
Những phim này về sau sẽ đưa lại những giải thưởng điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp của ông. Sau tất cả những hào quang chiến thắng, Lý An vẫn không quên những lời động viên quan trọng của vợ ở những thời điểm ông nghi ngờ bản thân nhất.
Bà Lâm Huệ Gia từng nói với chồng - đạo diễn Lý An rằng: “Em luôn tin rằng anh chỉ cần một món quà. Đó là được làm phim. Đã có rất nhiều người học về máy tính rồi, người ta không cần thêm một Lý An để làm những việc đó. Nếu anh muốn giành được bức tượng vàng, anh phải hết mình với ước mơ”.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.