Theo Quy định 85 của Bộ Chính trị vừa được ban hành, sự trung thực của khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các bản kê khai sẽ được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Quy định mới cũng là cơ sở để tất cả các cấp ủy ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát các cán bộ do mình quản lý thực hiện kê khai tài sản. Đây là một bước tiến không chỉ đảm bảo cho việc kê khai tài sản được thực hiện một cách nghiêm túc, thực chất mà còn là cơ sở để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm vi phạm cho việc kê khai tài sản của cán bộ cấp cao, góp phần phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian tới.
Một xe máy, một căn nhà cùng số tiền nhỏ gửi tiết kiệm là những gì được ông Nguyễn Khắc Quang - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đan Phượng, Hà Nội - khai trong bản kê khai tài sản thu nhập hàng năm. Đều đặn hàng năm, số tài sản có phát sinh cũng được ông Quang kê khai đầy đủ. Ông là một trong 184 cán bộ phải kê khai tài sản diện Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng quản lý và hơn 500 cán bộ Đảng viên phải kê khai trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Việc kê khai tài sản luôn được các cán bộ ở Đan Phượng thực hiện đầy đủ và cũng như nhiều nơi khác, ở đây cũng chưa xảy ra tình trạng cán bộ thiếu trung thực. Tuy nhiên, theo cấp ủy Đan Phượng, việc thực hiện kê khai tài sản hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai này. Nhiều năm nay, cấp ủy huyện vẫn chưa thể làm tốt khâu kiểm tra đối với những tài sản phát sinh của cán bộ.
Khó trông chờ vào sự trung thực, tự giác trong kê khai tài sản
Theo Thanh tra Chính phủ, trong 10 năm, cả nước mới phát hiện 14 trường hợp kê khai sai, bị xử lý - một con số quá khiêm tốn so với tình hình tham nhũng được đánh giá là rất nghiêm trọng, mà tập trung chủ yếu ở đội ngũ cán bộ có chức, có quyền.
Theo ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, việc cán bộ kê khai không trung thực đã dẫn tới những hệ quả đáng buồn vừa qua. Ví dụ như, Giang Kim Đạt chỉ là một quyền trưởng phòng nhưng lại có thể tham ô số tiền lên đến 260 tỷ đồng và ôm số tiền này bỏ trốn trước khi bị bắt và tuyên án tử hình vào tháng 2 vừa qua. Trước đó là Dương Chí Dũng với khối bất động sản có giá trị nhưng cũng không kê khai. Rất nhiều những trường hợp cán bộ gần đây khi có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng mới vào cuộc và phát hiện ra những khối tài sản lớn bất minh nhưng không được kê khai.
Ngay sau khi được ban hành ít ngày, Quy định mới của Bộ Chính trị đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Việc xác định rõ chủ thể kiểm tra, đối tượng kiểm tra kê khai tài sản cũng như việc khoanh vùng 1.000 cán bộ thuộc diện phải kiểm tra, giám sát của Trung ương được cho là một bước tiến lớn chưa từng có.
Căn biệt thự hoành tráng của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền từng gây chú ý dư luận. Vụ việc sau đó đã khiến Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải tiến hành kiểm tra đối với ông. Điều này để lại nhiều bài học, cho thấy khó có thể trông chờ vào sự trung thực, tự giác trong kê khai tài sản. Tuy nhiên, với quy định mới của Bộ Chính trị ngay khi có dư luận không tốt về khối tài sản của cán bộ quá lớn, cấp trên có quyền kiểm tra ngay thì chắc chẳn những tài sản có giá trị lớn sẽ được làm rõ nguồn gốc, đen trắng rõ ràng
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!