Ðó là những nông dân dám nghĩ dám làm, dám thất bại và từ thất bại họ học được thành công rồi trở thành người dẫn đường cho các bạn trẻ cũng sinh ra từ làng tìm kiếm con đường thoát nghèo, làm giàu cho bản thân và gia đình. Chương trình thực tế dài 30 phút có ý nghĩa nhân văn này đã đi được đến năm thứ năm với nhiều đổi mới.
Ðã có hàng trăm gương mặt thanh niên nông thôn (độ tuổi từ 35 trở xuống) làm kinh doanh giỏi, góp phần thay đổi cuộc sống của bà con nông dân trong vùng như bạn trẻ "đại gia" Nguyễn Văn Phúc, sinh năm 1987, ở Sóc Sơn, Hà Nội với mô hình thuần dưỡng chim cu gáy "độc nhất vô nhị"; "tỉ phú thợ mộc" Nguyễn Văn Toàn ở Ðức Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang; anh Võ Ngọc Thạch (Cần Thơ) - người sở hữu hàng trăm con trăn nặng 40-50kg; "ông vua lợn nái" Thân Văn Hùng ở vùng văn hóa Kinh Bắc hay anh Lường Văn Quý với mô hình nuôi ba ba ở xã Yên Hưng, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La - nơi không có điện lẫn nước...
Anh Nguyễn Văn Giang (35 tuổi, ở xã Chương Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) sau khi tốt nghiệp Ðại học Nông nghiệp I đã trở về quê với ước mơ làm giàu trên chính quê hương, chia sẻ: "Sau khi vượt qua mọi khó khăn bước đầu, bây giờ trang trại nuôi giống lợn rừng của tôi đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Có nhiều bạn trẻ đã gửi thư, gọi điện thoại và đến tận nơi để hỏi tôi cách nuôi lợn, làm thế nào để ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế. Tôi không hề giấu giếm kinh nghiệm của mình, chân thành chia sẻ những gì mình đúc kết được để họ giảm bớt thời gian và ít gặp thất bại khi mới làm như mình".
Không dễ để làm cho Sinh ra từ làng hấp dẫn khán giả trẻ, những người thực hiện chương trình đã phải tìm kiếm nhân vật ở khắp nơi. Sau đó, họ tiếp cận nhân vật, khai thác những khía cạnh hay nhất, đồng thời phải nghĩ cách làm sao để một câu chuyện khô khan về lập nghiệp trở nên sinh động, hấp dẫn và làm sao cho các nhân vật vốn làm nhiều hơn nói chịu "mở miệng". Những nỗ lực của êkip thực hiện chương trình đã được đền đáp khi có hàng trăm cuộc gọi, email của khán giả gửi về chia sẻ và tìm cơ hội kết nối với các nhân vật để học hỏi kinh nghiệm.
Hầu hết những người thực hiện Sinh ra từ làng đều còn rất trẻ, mỗi chuyến đi của họ kéo dài đến mười ngày, vì thế sau thời gian gắn bó, họ đều xem nhau như gia đình và có hẳn một bài "nghề ca" của mình nhại theo nhạc bài Em bé quê của cố nhạc sĩ Phạm Duy: "Ai bảo đi quay là khổ, đi quay sướng lắm chứ... Vì ở quê có nhiều thanh niên, làm kinh tế rất siêu. Ai nói quê hương của ta, nghèo cằn khô sỏi đá. Sức trong tay và trí trong tim, biến đá sỏi thành đô". Họ hát để động viên mình và hát cho các nhân vật nghe. Có một điều rất thú vị là trong danh bạ điện thoại của các biên tập viên lưu lại nhiều biệt danh rất... làng như: Công rắn, Hiếu ngựa, Mai rau, Quyết hoa, Giáp chim trĩ, Trung chồn, Trung đá, Toàn gỗ, Phương dúi, Hạ măng tây, Tạo bồ câu, Phúc cu gáy...
Với một quốc gia có đến hơn 80% dân số là nông dân, đặc biệt là nông dân trẻ, thì những chương trình như Sinh ra từ làng thật sự rất cần thiết. Khán giả mong mỏi có nhiều chương trình như thế để chia sẻ với người nông dân hơn. Như lời của chị Nguyễn Thị Út ở huyện Củ Chi, TP.HCM: "Tui coi chương trình này không sót kỳ nào hết. Có cái học theo, làm theo được, có cái không bắt chước được. Tui đang làm thử theo mô hình nuôi heo rừng. Tui học được ở những người được lên chương trình này là họ không thành công liền mà phải trầy trật lắm. Tui sẽ ráng được như họ".