PV: Thưa ông, những tác động của game đối với giới trẻ hiện vẫn đang là vấn đề tranh cãi. Nhưng đơn thuần phân tích dưới góc độ kinh tế, game online đang có những đóng góp như thế nào?
Ông Ngô Long: Với tốc độ phát triển trung bình hàng năm 30% và doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, game online thực sự có đóng góp quan trọng với nền kinh tế nói chung.
Game online còn có tác động đối với các lĩnh vực liên quan khác. Ví như VNPT, đơn vị chủ quản của chúng tôi thường xuyên phải điều chỉnh và bổ sung mạng lưới để đáp ứng nhu cầu phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp game online. Như vậy game online không những gia tăng doanh thu cho ngành nội dung số mà còn giúp thúc đẩy các ngành khác, kể cả về hạ tầng của Việt Nam như phần cứng, phần mềm. Đây là yếu tố quan trọng có thể kéo theo các ngành khác cùng phát triển.
PV: Vậy theo ông, game online có thể được coi là một ngành công nghiệp chưa?
Ông Ngô Long: Theo tôi, hoàn toàn đủ điều kiện để sử dụng thuật ngữ ngành công nghiệp với game online. Ngành này đang khai thác khá tốt lợi thế dân số trẻ của Việt Nam. Hơn nữa, thị trường và khả năng sản xuất, xuất khẩu của ngành hoàn toàn xứng đáng là một ngành công nghiệp.
Theo thống kê từ Trung tâm Internet Việt Nam, nước ta có khoảng 23 triệu thuê bao internet chiếm gần 27% dân số. Tuy nhiên, qua quan sát thị trường game trong gần 6 năm qua thì sự thành công của game online vẫn hạn chế và chưa xứng tầm. Thứ nhất là hạn chế về nguồn nhân lực, thêm nữa là thiếu những phân tích, đánh giá mang tính dự báo và định hướng của nhà phát hành.
Tôi cho rằng, các nhà phát hành cần lưu ý hơn đến những phân tích mang tính chuyên môn để nhập khẩu hay sản xuất được những sản phẩm phù hợp với văn hóa và thị hiếu của người Việt Nam.
PV: Thưa ông, trong tháng 3 vừa qua, một nhà phát hành đã lần đầu tiên công bố chính thức sản phẩm game "made in Vietnam". Vậy điều này sẽ có tác động như thế nào đến các nhà phát hành và đến thị trường game trong nước?
Ông Ngô Long: Vinagame đã cho ra mắt sản phẩm game do chính doanh nghiệp này sản xuất và phát hành. Đây không chỉ là tín hiệu mừng với Vinagame mà còn là động lực cho các nhà phát hành khác tăng tốc với thị trường này. VDC Net2E tất nhiên cũng không nằm ngoài cuộc chơi này. Chúng tôi đang xây dựng đội dự án chuyên trách để phát triển những game thuần việt và có trọng tâm là phản ánh được cái văn hóa nhân sự của dân tộc. Những game do chúng tôi sản xuất không chỉ hướng tới thị trường trong nước và nó cũng sẽ trở thành mục tiêu xuất khẩu trong tương lai của công ty.
PV: Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng thành công ngành công nghiệp game, theo ông, đâu sẽ là mô hình phù hợp với Việt Nam?
Ông Ngô Long: Có 2 mô hình thành công điển hình với công nghiệp game là Trung Quốc và Hàn Quốc. Nếu như Hàn Quốc tập trung vào những game mang phong cách châu Âu, hướng đến châu Âu và Mỹ thì Trung Quốc lại tập trung vào thị hiếu của thị trường nội và thị trường châu Á nói chung.
Tuy nhiên, mẫu số chung của sự thành công tại 2 thị trường này là sự hỗ trợ và điều hành nhất quán từ chính phủ.
PV: Xin cảm ơn ông!