PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Trần Quốc Bình trao đổi về ứng dụng CNTT (Ảnh: KT)
PV: Thưa ông, lý do nào Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương lại chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho CNTT, trong khi ngay cả ở một số lĩnh vực hiện đại cũng chưa thực sự coi trọng vấn đề này?
PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Trần Quốc Bình: Vì tôi nhận thức rõ vai trò quan trọng của CNTT. CNTT là số hoá tất cả các dữ liệu thông tin; luân chuyển mạnh mẽ và kết nối chúng ta lại với nhau, nó ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với ngành y tế, CNTT không những giúp cải cách hành chính trong quản lý điều hành, mà còn giúp ích cho việc triển khai ứng dụng thành công các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh như: chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, mổ nội soi, tim mạch can thiệp…; trong giám sát dịch bệnh, nghiên cứu sản xuất thuốc, đào tạo, giảng dạy…
CNTT có tầm quan trọng trong xây dựng Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương hiện đại hoá, tiến tới môi trường y tế thông minh, giúp bệnh viện dễ dàng hội nhập với các bênh viện trong toàn quốc và quốc tế. Chúng tôi ứng dụng CNTT nhằm xây dựng bênh viện số hoá, hiện đại hoá y học cổ truyền, xứng đáng là bệnh viện đầu ngành y học cổ truyền Việt Nam, là Trung tâm hợp tác của WHO về y học cổ truyền tại Việt Nam và khu vực Tây Thái Bình Dương.
PV: Vậy hiện tại CNTT đã mang lại hiệu quả như thế nào trong hoạt động của bệnh viện cũng như tạo thuận lợi cho bệnh nhân tại Bệnh viện, thưa ông?
PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Trần Quốc Bình: Thực tế, từ khi ứng dụng CNTT đã giúp chúng tôi tăng được 1,5 lần lượt bệnh nhân được khám chữa bệnh, giảm tải số bệnh nhân phải chờ đợi lâu hoặc lỡ hẹn; rút ngắn tổng thời gian nhận được kết quả xét nghiệm xuống một nửa; hỗ trợ thời gian thanh toán viện phí nhanh gấp 2,5 lần. Đồng thời, CNTT cũng giúp kết nối đồng thời 20 - 30 máy xét nghiệm; báo cáo thống kê chỉ mất 5 giây/báo cáo.
Kết quả đánh giá cho thấy, hiệu quả khám chữa bệnh toàn bệnh viện tăng đến 2 – 3 lần so với thời gian chưa triển khai ứng dụng CNTT.
PV: Có thể thấy CNTT đã mang lại hiệu quả rất lớn tại Bệnh viện. Tuy nhiên, ở một lĩnh vực rất "truyền thống", thì việc ứng dụng CNTT có khó khăn gì không thưa ông?
PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Trần Quốc Bình: Con người sẽ quyết định phần mềm đó có được ứng dụng hiệu quả hay không. Thời gian đầu, vấn đề nhận thức cũng như cách làm việc cũ chưa kịp thay đổi so với cái mới. Đó là một khó khăn.
Thứ hai là quy trình làm việc còn lẫn lộn giữa số liệu cũ và số liệu mới, giữa thao tác cũ và thao tác mới, hệ thống cũ và hệ thống mời. Vì vậy, cần có quyết tâm cao trong toàn hệ thống mới đảm bảo cho quy trình tổng thể hoạt động thống nhất, đồng bộ. Một vấn đề nữa là Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương có những thuật ngữ, thủ thuật, thuốc cổ truyền chưa đưa vào hệ thống y tế nên Bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn.
PV: Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vai trò của lãnh đạo đơn vị với đầu tư CNTT?
PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Trần Quốc Bình: CNTT tạo ra một môi trường làm việc hiện đại, môi trường tài chính minh bạch, hạn chế thất thoát lãng phí... CNTT cũng tạo ra và gò ép con người làm theo cách làm mới, tư duy cũ sẽ có nhiều lực cản… Nên người đứng đầu đơn vị cần có quyết tâm cao mới triển khai thành công CNTT.
PV: Một câu hỏi cuối cùng, theo ông, khái niệm “CNTT là hạ tầng của hạ tầng” trong ngành y tế cần được hiểu như thế nào?
PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Trần Quốc Bình: Cũng giống như các ngành khác, CNTT là hạ tầng cơ sở cho việc số hoá mọi dữ liệu trong các ngành, các lĩnh vực và kết nối thông tin với nhau với một tốc độ xử lý cao. Cho nên, CNTT là hạ tầng của các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Đối với ngành y tế cũng vậy, CNTT giúp số hóa dữ liệu về khám chữa bênh, chẩn đoán hình ảnh, thuốc, xét nghiệm, quản lý tài chính, đơn thuốc... Cho nên nó là hạ tầng của mọi hạ tầng, là cơ sở xây dựng một nền y tế hiện đại, thông minh.
PV: Xin cảm ơn ông!