Sử dụng phần mềm bất hợp pháp mang tới nhiều hậu quả xấu. (Ảnh minh họa)
Các phần mềm ăn cắp bản quyền được bày bán công khai tại các cửa hàng bán thiết bị máy tính, kể cả những phần mềm vừa tung ra thị trường thế giới. Ở những con phố được coi là trung tâm mua bán thiết bị máy tính của Hà Nội, người ta có thể mua bất kỳ phần mềm nào chỉ với số tiền 10.000 - 20.000 đồng. Chỉ với 20.000 đồng, một chủ cửa hàng máy tính đã bán cho khách phần mềm Photoshop bản mới nhất có giá trị thật lên đến hàng ngàn USD.
Một thực tế là, rất nhiều người dùng máy tính mua máy tính về thường được cài đặt sẵn những phần mềm lậu, phần mềm bẻ khóa và họ coi đó là việc nghiễm nhiên.
“Chỉ có những phần mềm nào mà việc bẻ khóa hay crack quá khó thì bọn em mới phải đi mua thôi. Em thấy dùng phần mềm lậu cũng chẳng có tác hại gì”, một người dùng máy tính nói.
Tác hại của phần mềm lậu đã được cảnh báo, chúng được viết bởi các hacker nhằm mục đích xâm nhập máy tính của người cài đặt để trục lợi, do đó, mất ổn định là điều hiển nhiên với một máy tính cài nhiều phần mềm ăn cắp bản quyền. Thế nhưng, với cái giá quá rẻ cho những phần mềm đắt tiền, người tiêu dùng vẫn bất chấp rủi ro.
Trên thực tế, tốc độ phát triển của các phần mềm mã nguồn mở trên các hệ điều hành miễn phí như Ubuntu, Linux là chóng mặt và người dùng phổ thông hoàn toàn có thể tự tin sử dụng một chiếc máy tính hoàn toàn cài phần mềm miễn phí với đầy đủ các ứng dụng cơ bản.
Nhưng từ nay cho đến lúc cộng đồng nhận thức phần mềm máy tính cũng là một loại hàng hóa thì còn đòi hỏi nhiều thời gian khi mà ngày ngày, người ta vẫn có thể tìm ra hàng chục ngàn kết quả hướng dẫn bẻ khóa phần mềm trên mạng và những cửa hàng bán đĩa phần mềm với giá 10.000 - 20.000 đồng vẫn sống khỏe.
Rõ ràng, để thay đổi hành vi tiêu dùng của số đông người dùng máy tính, để họ chấp nhận phần mềm mã nguồn mở thay vì phần mềm ăn cắp, đòi hỏi nỗ lực của xã hội chứ không chỉ một vài doanh nghiệp trên thị trường.