Mua bán hàng qua mạng trực tuyến đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới và tại Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Với lợi thế thanh toán nhanh gọn, các thương mại điện tử đang ngày càng thu hút được nhiều người sử dụng tham gia.
Song hành cùng với những lợi ích đó, khá nhiều người vẫn còn nghi ngại về mức độ an toàn thông tin của mình khi họ phải nhập những thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng hay mã số thẻ thanh toán… Đối với khách hàng, cơ sở để họ đưa ra quyết định có tham gia vào một giao dịch điện tử hay không, chủ yếu vẫn dựa vào niềm tin với những nhà cung cấp dịch vụ.
Chị Đinh Thị Ngọc Bích, phố Hào Nam (Hà Nội) cho biết: “Bảo mật thông tin thì có thể bị lộ bất cứ lúc nào, thế nhưng khi mình giao dịch với một đơn vị có uy tín, rồi bản thân hệ thống ngân hàng mà mình mở tài khoản người ta cũng bảo vệ, có nghĩa là mình cũng có 3-4 tầng bảo vệ rồi, còn nếu khi hacker họ vượt qua được hết những cái đó rồi thì cũng không biết là sẽ thế nào”.
Một trong nhiều biện pháp để tăng cường bảo mật thông tin mà các nhà cung cấp dịch vụ đang áp dụng hiện nay, đó là sử dụng những biên lai điện tử. Thay vì những coupon vé, khách mua hàng sẽ nhận đượng những tin nhắn thông báo cùng một mã xác nhận qua điện thoại cá nhân, và dùng những mã đó để xác nhận mua hàng. Đồng thời, để làm tăng niềm tin của khách hàng đối với dịch vụ của mình, các nhà cung cấp cũng đã đăng kí áp dụng những chuẩn bảo mật có uy tín trên thế giới.
Anh Trần Quang Khải, Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam khẳng định: “Những giao dịch trên mạng có khả năng mất những thông tin là rất lớn, và những khách hàng ở Việt Nam luôn lo lắng mất thông tin đó. Chúng tôi đã cam kết bảo đảm những cái chuẩn bảo mật PCI DSS là chuẩn dành cho ngân hàng và doanh nghiệp về bảo đảm an toàn thông tin thẻ cho khách hàng, tất cả những thông tin đó sẽ được mã hóa, hàng tháng các tổ chức thẻ quốc tế vẫn phải kiểm tra lại những chỉ tiêu về bảo mật xem có đúng như cam kết hay không, nếu có lỗi thì họ sẽ hướng dẫn chúng tôi sửa những lỗi đó”.
Theo kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), trong giai đoạn ba năm (từ 2006-2008), vấn đề bảo mật, an toàn thông tin, trong đó bao gồm cả thông tin cá nhân luôn được các doanh nghiệp đánh giá là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.
Trong thời gian tới, cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ những thông tin cá nhân của khách hàng khi tham gia thương mại điện tử, vì suy cho cùng đó cũng là cách để các nhà cung cấp tự bảo vệ chính mình.