Mới đây, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là một trong những thành phần cốt lõi của hạ tầng số thông minh và là điểm nhấn quan trọng mang tính đổi mới, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số.
Các trung tâm điều hành, hệ thống thông tin báo cáo, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành, địa phương sẽ được kết nối với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chình phủ.
Việc thông tin, dữ liệu được chia sẻ, cập nhập liên tục chính xác sẽ giúp Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ có thể theo dõi, kiếm tra được hoạt động theo từng lĩnh vực do các bộ, ngành, địa phương quản lý. Đồng thời, thông qua dữ liệu số với hình ảnh trực quan, trực tuyến, lãnh đạo Chính phủ có thể thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các bộ, ngành, địa phương và trên thực địa.
Thời gian qua, việc thu thập, quản lý và bảo trì dữ liệu vẫn còn là khâu yếu của các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan Nhà nước. Ví dụ, các hiệp định thương mại tự do đã ký có thể dễ tìm trên mạng, tuy nhiên, một nhà xuất khẩu muốn biết cụ thể mặt hàng X xuất vào nước Y được hưởng thuế suất ưu đãi Z nào thì lại rất khó tìm. Trong khi đó, dữ liệu đang là nguồn tài nguyên không thể thiếu trong đời sống hiện đại.
Hiếm có người nào dùng Internet có thể thiếu công cụ tìm kiếm của Google hay việc tương tác trên Facebook. Hiện nay, 5 tập đoàn có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường là Alphabet (Google), Amazon, Apple, Facebook và Microsoft vẫn đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Tổng mức doanh thu của cả 5 công ty này vào khoảng 800 tỷ USD/năm, cao hơn tổng GDP của cả nền kinh tế Saudi Arabia. Số liệu của hãng nghiên cứu IDC cho thấy, thế giới sẽ dần trở thành vương quốc của thông tin và dòng số liệu sẽ đạt tới 180 Zettabyte vào năm 2025.
Như vậy, yếu tố quan trọng đầu tiên của bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào chính là dữ liệu. Nếu không có dữ liệu, sẽ không thể tiến hành phân tích, xử lý và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, đó phải là nguồn dữ liệu lớn chứ không phải là những dữ liệu đơn lẻ của từng cá nhân hay tổ chức.
Việt Nam đã liên tiếp công bố những trung tâm dữ liệu quy mô quốc gia. Mới đây nhất là Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư. Mỗi công dân từ khi sinh ra đến tuổi quy định sẽ được cấp một số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân. Đây sẽ là cơ sở xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý hộ khẩu, hộ tịch cũng như cơ sở dùng chung cho tất cả các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết công việc của công dân được đơn giản hóa, thuận tiện hơn.
Trên thế giới, hiện cũng chỉ mới khai thác hiệu quả được 1% dữ liệu. Với Việt Nam thì con số này còn thấp hơn nhiều. Chả hạn như việc các cơ quan bộ, ngành đều có hệ thống thông tin khác nhau nhưng cũng không liên thông, chia sẻ một phần thông tin liên quan hoặc thậm chí là đóng.
Việc chống độc quyền trong thời đại thông tin cũng là một thách thức. Dữ liệu lớn được ví như con thuyền đưa mỗi quốc gia trên hành trình chuyển đổi số. Nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc nhiều vào những người trên thuyền có cùng nhau chia sẻ mái chèo một cách nhịp nhàng và an toàn hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!