Các bác sĩ kiểm tra máy móc và bệnh nhân trước khi tiến hành xạ trị. Ảnh minh họa: Dân Trí
Tại hội thảo, ông Đào Tiến Khoa - Giám đốc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử cho biết, máy gia tốc có từ những năm 80 - 90 của thế kỷ XX và vào Việt Nam đầu năm 2009 theo kênh thị trường. Qua thực tiễn có thể khẳng định vai trò và tầm quan trọng của máy gia tốc khi đóng góp tích cực cho nhân loại, đặc biệt là những ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Máy gia tốc sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ cho chẩn đoán hình ảnh trong điều trị, ứng dụng hiệu quả trong xạ trị và điều trị ung thư.
Chung quan điểm trên, ông Trần Đình Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, hiện nay tại Việt Nam việc xạ trị ở vị trí cao so với mặt bằng trên thế giới, việc phát triển đồng vị phóng xạ không tự do mà có định hướng. Tuy nhiên, theo ông Hà, việc thành lập Trung tâm gia tốc Việt Nam không nên nằm ngoài quy hoạch và nên lồng vào quy hoạch chung. Đồng thời, việc vận hành bộ máy có vai trò quan trọng quyết định sự thành công của Trung tâm nên quá trình xây dựng đề xuất phải thực tế từ ý tưởng và có chiến lược rõ ràng.
Đại diện Bệnh viện 108 cũng khẳng định, kỹ thuật tiên tiến nhất là kỹ thuật xạ trị và trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu điều trị không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới. Hiện Trung tâm xạ trị của Bệnh viện 108 không thua kém gì các nước trên thế giới, đã điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân. Việc xạ trị tại đây đã mang lại hiệu quả tích cực cho nhiều bệnh nhân.
Kết thúc hội thảo, Viện Năng lượng nguyên tử sẽ tổng hợp các ý kiến chia sẻ, trao đổi để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hiệu quả việc thành lập Trung tâm gia tốc tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!