Thông thường, khi vệ tinh truyền thống được phóng vào không gian, phần cứng vật lý và phần mềm máy tính đi kèm hầu như không thể thay đổi khi vệ tinh làm việc trên quỹ đạo Trái Đất, kể cả khi công nghệ đó dưới mặt đất có phát triển như thế nào. Điều này gây khó khăn cho việc sửa chữa hay nâng cấp vệ tinh. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này đã có giải pháp.
Khi một số công ty khởi nghiệp về hàng không vũ trụ phát triển công nghệ để sửa chữa, điều chỉnh và nạp nhiên liệu nhằm kéo dài tuổi thọ cho vệ tinh, các nhà sản xuất vệ tinh lại tìm kiếm một giải pháp mới với hy vọng cài đặt các phần mềm giống như trên điện thoại thông minh, cho công suất lớn hơn, đặc biệt có thể tiếp nhận được các bản cập nhật chỉ trong vài phút thay vì phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần.
Công ty hàng không vũ trụ Lockheed Martin ngày 20/3 đã công bố công nghệ mới mang tên "SmartSat" (Vệ tinh thông minh). Phần mềm này sẽ được đưa vào không gian cùng với một vệ tinh cỡ nhỏ có tên gọi cubesat dự kiến được phóng trong vài tháng tới. Lockheed Martin nêu rõ các vệ tinh hiện nay đều khá bền, chính xác và có tính năng ưu việt, song khi phóng vào vũ trụ chúng hầu như không thay đổi. Hãng này mong muốn các vệ tinh trong tương lai sẽ hoạt động linh hoạt giống như những chiếc điện thoại thông minh.
Thay vì những chương trình máy tính với bộ xử lý đơn như các vệ tinh hiện tại, với công nghệ "SmartSat", Lockheed Martin tuyên bố sẽ mang được hệ thống đa xử lý vào vũ trụ. Công ty nêu rõ điều này sẽ giúp các vệ tinh xử lý thêm dữ liệu trong quỹ đạo và có thể gửi về mặt đất các thông tin quan trọng, giảm bớt chi phí băng thông, giảm bớt gánh nặng cho các chuyên gia phân tích trên mặt đất, và mở ra cánh cửa cho việc thiết lập trung tâm dữ liệu trên vũ trụ trong tương lai.
Một ví dụ điển hình chính là việc công nghệ mới có thể cho phép nhà vận hành dễ dàng lập trình lại vệ tinh viễn thông để chuyển sang khai thác ở khu vực Đông Âu thay vì Tây Âu khi cần. Về nguyên nhân các tổ chức hàng không vũ trụ không thực hiện cuộc cách mạng công nghệ này sớm hơn, Giám đốc chương trình "SmartSat"Adam Johnson cho biết điều kiện khắc nghiệt khiến mọi thứ trên vũ trụ trở nên khó khăn hơn. Phần cứng vốn rất nhạy cảm và dễ bị hỏng hóc khi lên không gian. Chỉ tới thời điểm này, công nghệ phát triển mới giúp phần cứng chịu được bức xạ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!