Tại Trung Quốc, các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật não từ xa đầu tiên trên thế giới thông qua mạng 5G, với khoảng cách giữa bệnh nhân và bác sĩ phẫu thuật là 3.000 km. Nhờ cánh tay robot được điều khiển từ xa qua máy tính được kết nối 5G, bác sĩ Ling Zhipei ở Hải Nam đã cấy thành công thiết bị tạo nhịp não vào não của bệnh nhân mắc bệnh Parkinson ở Bắc Kinh.
Bên cạnh lĩnh vực y tế, Trung Quốc cũng đang ứng dụng mạng 5G vào giao thông công cộng. Một chiếc xe bus sử dụng mạng 5G đã bắt đầu hoạt động tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc. Hành khách có thể tận hưởng dịch vụ Wifi 5G với tốc độ dữ liệu cao khi di chuyển trên chuyến xe bus số 16 qua trung tâm thành phố Nam Ninh.
Còn với xe ô tô điện kết nối mạng 5G, một sản phẩm của hãng sản xuất ô tô SEAT của Tây Ban Nha, công nghệ 5G có thể hỗ trợ điều khiển xe cũng như dự báo tình trạng giao thông chủ động cho người lái. Mẫu xe thông minh của SEAT được coi là một giải pháp toàn diện cho việc di chuyển cá nhân trong những đô thị đông đúc.
Công nghệ 5G cũng được xem là tương lai của ngành công nghiệp dịch vụ viễn thông.
Mới đây nhất, công ty viễn thông Vodafone của Anh đã thử nghiệm thành công cuộc gọi video 3 chiều qua mạng 5G. Nhờ công nghệ này, nữ cầu thủ Steph Houghton có thể xuất hiện trên sân khấu như một hình ảnh 3 chiều và giao lưu với người hâm mộ cách 260 km.
Trong tương lai, nhiều tiến bộ và thành tựu công nghệ khác ứng dụng mạng 5G sẽ còn xuất hiện để biến một thế giới kết nối cực nhanh trở thành hiện thực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!