Thời gian gần đây, dịch vụ gọi taxi qua ứng dụng điện thoại di động đang trở thành đề tài được dư luận đặc biệt quan tâm và tranh luận. Nhiều câu hỏi về tính an toàn và pháp lý của dịch vụ trên, đặc biệt là của Uber, đã được đặt ra.
Uber là một trong những ứng dụng điện thoại di động thông minh kết nối hành khách với lái xe. Hiện nay, Uber đang vấp phải những ý kiến phản đối của một số hãng taxi truyền thống. Các hãng taxi cho rằng, Uber đưa ra một giá cước rẻ cho khách hàng vì công ty không phải chi trả các khoản phí như bảo hiểm y tế, xã hội, thất nghiệp và cả Uber và lái xe sẽ không chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra với khách hàng.
Ông Micheal Brown, Tổng giám đốc Uber khu vực Đông Nam Á nói: “Chúng tôi đã đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, tại tất cả các nơi mà Uber hoạt động, Uber luôn tuân thủ tất cả các nghĩa vụ về thuế và chúng tôi cũng sẽ làm điều hoàn toàn tương tự ở Việt Nam. Do hoàn toàn chi trả bằng tài khoản ngân hàng, chúng tôi cho rằng các cơ quan thuế dễ dàng theo dõi doanh thu của công ty và nhờ vậy thu thuế đầy đủ hơn là taxi thông thường sử dụng tiền mặt để thanh toán”.
Thạc sỹ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Uber gặp phải phản đối rất lớn từ giới taxi hay vận tải vì họ cho rằng Taxi Uber thực chất là một dịch vụ vận tải, tuy vậy, họ lại đứng dưới danh nghĩa một công ty công nghệ, từ đấy họ chịu thuế thấp hơn. Tuy nhiên, lý do này cũng không đúng vì rõ ràng Uber không có đội ngũ xe nào cả, họ chỉ làm nhiệm vụ kết nối”.
Một số các công ty taxi cũng hiểu được rằng, các ứng dụng điện thoại thông minh như Uber là những công nghệ tiên tiến và taxi truyền thống cũng cần kết hợp công nghệ mới để có chất lượng dịch vụ cạnh tranh hơn.
Ông Micheal Brown cho biết thêm: “Ứng dụng của chúng tôi cho phép các đối tác của chúng tôi có nhiều khách hơn. Khi hiệu suất sử dụng xe tăng lên thì chi phí cho từng chuyến đi cũng sẽ giảm xuống và vì vậy, giá thành của chúng tôi rẻ đi”.
Ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh nói: “Uber hay Mai Linh hay các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước hợp tác với nhau tạo ra giá trị tốt cho người tiêu dùng hay tạo ra điều kiện tốt cho xã hội và đặc biệt là hợp với luật pháp Việt Nam, điều đó rất là hoan nghênh”.
Là một sản phẩm công nghệ mới, Uber khi tham gia vào thị trường thường gặp khó khăn về mặt pháp lý vì hệ thống pháp lý đã tồn tại chưa thể ngay lập tức thích nghi với công nghệ đó được. Các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa ra quy định phù hợp cho loại hình dịch vụ mới này.
Thạc sỹ Nguyễn Khắc Giang nói: “Theo tôi nghĩ, các nước có 2 phương pháp, đó là dùng hệ thống pháp lý cũ - là đánh thuế Uber như đánh thuế taxi và thứ 2 là đưa ra hệ thống quy chuẩn mới cho dịch vụ taxi kiểu mới như Uber, Lyft, GrabTaxi”.
Tại một số nước như Singapore đã có kế hoach đưa ra Luật quản lý hoạt động của các ứng dụng tương tự như Uber, trong khi Thái Lan lại có quy định cấm hoạt động này.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.