Trung Quốc tiếp tục siết chặt quy định trong lĩnh vực kỹ thuật số

Thái Bình (Phóng viên thường trú Đài THVN tại Trung Quốc)-Thứ ba, ngày 12/10/2021 20:35 GMT+7

VTV.vn - Trung Quốc đang nỗ lực tạo sự cân bằng giữa việc kiểm soát mạnh mẽ hơn của Chính phủ, bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và khuyến khích nền kinh tế số phát triển thịnh vượng.

Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt các quy định trong lĩnh vực kỹ thuật số, đặc biệt là trong thanh toán trực tuyến và ngăn chặn các hành vi độc quyền. Đây là thông tin mới nhất được Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra và là tín hiệu cho thấy giới chức nước này sẽ thắt chặt quản lý hoạt động của các công ty công nghệ lớn.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với giới chức chống độc quyền để hạn chế những vi phạm và chủ động phản ứng với những hành vi lợi dụng thuật toán và các hình thức hoạt động phản cạnh tranh khác. Ngân hàng Trung ương cũng sẽ tăng cường giám sát lĩnh vực thanh toán và yêu cầu tất cả các công ty dịch vụ thanh toán phải có giấy phép hoạt động.

Khoảng 1 năm qua, giới chức Trung Quốc đã tăng cường giám sát các công ty công nghệ lớn trong nước, trong đó có hãng thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba, công ty giao hàng thực phẩm Meituan, với cáo buộc các công ty này có hành vi độc quyền và thu thập dữ liệu khách hàng không phù hợp. Đây là một phần của chính sách rộng hơn mà Trung Quốc áp dụng để chỉnh đốn lại nền kinh tế thứ 2 thế giới, trong đó còn nhắm tới cả các công ty giáo dục tư nhân, bất động sản...

Trung Quốc tiếp tục siết chặt quy định trong lĩnh vực kỹ thuật số - Ảnh 1.

Hãng thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba bị giới chức Trung Quốc tăng cường giám sát sau cáo buộc về hành vi độc quyền

Trung Quốc có một trong những ngành công nghiệp Fintech - công nghệ tài chính - được đánh giá là năng động nhất thế giới. Doanh thu từ công nghệ tài chính của Trung Quốc đã tăng hơn 20 lần, từ 69 tỷ Nhân dân tệ năm 2013 lên khoảng 1,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2019. Trong đó, thanh toán trực tuyến là sản phẩm thống trị trong ngành công nghiệp Fintech của nước này bởi đây không chỉ là hoạt động thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày mà còn có số lượng người dùng rất lớn.

Năm nay, ước tính có tới hơn 987 triệu người sử dụng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số tại Trung Quốc. Tính đến đầu năm nay, Trung Quốc có 233 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp giải pháp thanh toán phi ngân hàng nhưng thống trị về giao dịch trực tuyến hiện nay chỉ có 2 doanh nghiệp là Alipay và WeChat Pay.

Trung Quốc tiếp tục siết chặt quy định trong lĩnh vực kỹ thuật số - Ảnh 2.

Alipay và WeChat Pay là hai nền tảng thống trị về giao dịch trực tuyến hiện nay tại Trung Quốc

Trung Quốc đang trong giai đoạn chấn chỉnh mạnh nhiều lĩnh vực, nhất là tài chính công nghệ để phá thế độc quyền của Alibaba và Tencent. Lý lẽ mà cơ quan chức năng đưa ra là để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các công ty công nghệ nhỏ đổi mới sáng tạo.

Với việc Alipay của Alibaba chiếm hơn 48,5% và WeChat Pay của Tencent chiếm hơn 33,5% thị phần thanh toán trực tuyến như hiện nay, cơ hội vươn lên của các công ty nhỏ là khó. Việc độc quyền thông qua dùng cơ sở dữ liệu khách hang khổng lồ bằng các thuật toán cùng các hành vi phản cạnh tranh khác là trong tầm tay. Cách đây vài tháng, Alibaba đã bị cơ quan chống độc quyền Trung Quốc phạt hơn 2,75 tỷ USD. Mới đây, gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan cũng bị phạt 500 triệu USD.

Có thể thấy rõ chủ trương của giới chức Trung Quốc trong những tháng gần đây là đặc biệt cứng rắn đối với những tập đoàn kỹ thuật số khổng lồ, được cho là đã có các hoạt động không lành mạnh liên quan đến tính cạnh tranh hay bảo mật dữ liệu cá nhân và quyền của người sử dụng. Trên thực tế, giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang nỗ lực tạo sự cân bằng giữa việc kiểm soát mạnh mẽ hơn của Chính phủ, bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và khuyến khích một nền kinh tế số phát triển thịnh vượng, nơi dữ liệu được sử dụng như một nguồn lực then chốt cho sản xuất và nền kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước