Thương mại hóa 5G mở ra nhiều cơ hội mới về thị trường và trải nghiệm

Phi Long-Thứ năm, ngày 26/12/2024 20:24 GMT+7

Tọa đàm "Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh" do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức

VTV.vn - Ngày 26/12, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã tổ chức Tọa đàm "Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh".

Sự hội tụ của công nghệ 5G và sản xuất thông minh đang định hình lại bức tranh công nghiệp, mở ra một kỷ nguyên mới được gọi là Công nghiệp 4.0. Các công ty khởi nghiệp đang đi đầu trong sự chuyển đổi này, tận dụng sức mạnh của 5G để nâng cao khả năng kết nối, cải thiện hiệu quả và mở ra những khả năng chưa từng có trong sản xuất thông minh.

5G và tự động hóa dựa trên AI là những công nghệ đột phá có tiềm năng to lớn để cách mạng hóa ngành sản xuất. Việc ứng dụng hiệu quả hai công nghệ này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh trong thị trường toàn cầu. Sự kết hợp giữa công nghệ 5G và tự động hóa dựa trên AI được xem là chìa khóa mở ra cánh cửa cho sản xuất thông minh thế hệ mới, mang đến bước tiến đột phá cho ngành sản xuất.

Trong bối cảnh đó, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh".

Ông Nguyễn Việt Phú - Chủ tịch ICT Press Club - cho biết, nội dung buổi tọa đàm đang là vấn đề thời sự khi mà các nhà mạng vừa tuyên bố thương mại hóa 5G, mở ra nhiều cơ hội mới về thị trường và trải nghiệm mới cho khách hàng.

Công nghệ 5G đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hiệu quả và đổi mới ở các ngành công nghiệp như sản xuất, nhà máy thông minh, cảng biển, và Internet vạn vật công nghiệp (IIoT). Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên băng thông rộng và IoT khi các nhà mạng chính thức triển khai thương mại 5G trên toàn quốc. Vì vậy, ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông minh...

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng mạng di động 5G, coi đây là nền tảng cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra chiến lược hạ tầng số của Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước tiến nhanh trong công cuộc chuyển đổi số, tập trung vào các định hướng quan trọng. Trong đó, phổ cập cáp quang tốc độ cao và phủ sóng 5G trên toàn quốc là những ưu tiên hàng đầu.

Hiện tại, các nhà mạng lớn tại Việt Nam đều tham gia vào cuộc đua thương mại hóa 5G.

Thương mại hóa 5G mở ra nhiều cơ hội mới về thị trường và trải nghiệm - Ảnh 1.

Ông Lê Bá Tân - Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel - chia sẻ về những tiến bộ đạt được trong việc thương mại hóa 5G

Chỉ sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz, mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương (15/10/2024) đã có hơn 6.500 trạm thu phát sóng, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học. 5G tạo điều kiện cho phát triển các ngành kinh tế, tạo sự chuyển dịch cho các ngành như sản xuất, giáo dục, y tế, giao thông logistic… và góp phần nâng cao không gian tăng trưởng của Viettel, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thương mại hóa 5G mở ra nhiều cơ hội mới về thị trường và trải nghiệm - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT - khẳng định VNPT sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của doanh nghiệp viễn thông CNTT nòng cốt, tiên phong trong phát triển hạ tầng số

Mới đây, ngày 20/12, trong khuôn khổ hội nghị Triển khai Kế hoạch năm 2025, VNPT cũng đã tuyên bố chính thức thương mại hóa 5G. Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trải nghiệm cá nhân, VNPT còn hỗ trợ các giải pháp mạng riêng (Private 5G Network), phân chia tài nguyên mạng (Network Slicing) và tích hợp công nghệ Open RAN 5G, đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng ngành như sản xuất, y tế, giáo dục, tài chính và năng lượng. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, tăng hiệu quả vận hành và phát triển kinh tế số.

Thương mại hóa 5G mở ra nhiều cơ hội mới về thị trường và trải nghiệm - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone - chia sẻ về những khó khăn trong việc phủ sóng 5G

Dù chưa tuyên bố khai trương 5G nhưng MobiFone đã đưa ra kế hoạch thương mại hóa 5G vào năm 2025. Tại buổi tọa đàm, đại diện MobiFone chia sẻ về những thách thức trong việc phủ sóng 5G như khung pháp lý, cơ sở hạ tầng chưa theo kịp, số tiền đầu tư lớn khi 1 trạm có chi phí gấp 3 - 4 lần so với trạm 4G, vấn đề an ninh mạng... Nhà mạng này cũng cho biết đã được cấp giấy phép băng tần C3 và sẽ nhanh chóng, khẩn trương làm các thủ tục để thương mại hóa 5G.

Ông Nguyễn Việt Phú cho rằng, tọa đàm là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy phát triển 5G, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng cho lĩnh vực công nghiệp thông minh.

Theo khảo sát của VINASA tại các khu công nghiệp, chế xuất ở TP Hồ Chí Minh với 98 doanh nghiệp, 61% trong số các doanh nghiệp này chưa tự động hóa, hoàn toàn làm bằng tay, 25% tự động hóa được một phần. Ở mảng thông minh hóa còn thấp hơn khi 25% các doanh nghiệp hoàn toàn không kết nối thông minh trong dây chuyền sản xuất. 

Ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone - cho rằng, lợi thế của Việt Nam là lao động giá rẻ nên chúng ta toàn sản xuất thủ công chứ chưa có nhà máy thông minh, toàn gia công cho thế giới về may mặc, da giày. Dư địa để làm nhà máy thông minh ở Việt Nam còn rất nhiều. Cơ hội lớn như vậy, tuy nhiên, nhận thức của các doanh nghiệp về nhà máy thông minh còn rất hạn chế. Đại diện MobiFone nhận định, 5G chỉ là công nghệ kết nối còn nhà máy cần cả một dự án chuyển đổi số, để làm điều đó thì phải có sự đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT - cho rằng, 5G cho thấy các giá trị và lợi ích rõ rệt, tuy nhiên, triển khai 5G thành công hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Chẳng hạn, kinh doanh B2C khi áp dụng 5G sẽ được hưởng chất lượng vượt trội về tốc độ, độ trễ, dung lượng nhưng khách hàng chưa sẵn sàng chi trả. Khảo sát toàn cầu cho thấy, sự chi trả không gia tăng nhiều, doanh thu đem lại còn khiêm tốn, khoảng 2-3% là khả quan. Khách hàng B2B cũng thấy giá trị và lợi ích khi lên 5G.

Tuy nhiên, đại diện VNPT cũng cho biết, thách thức lớn nhất là doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất kinh doanh, đầu tư nhiều hơn, chấp nhận chuyển đổi số là hành trình dài hơi, nhà mạng phải hiểu biết và đồng hành nhiều hơn. Những điều này là thách thức rất lớn trong việc quyết định và triển khai công nghệ mới như 5G trong hoạt động chuyển đổi số của từng doanh nghiệp.

Ông Lê Bá Tân - Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel - cho biết, qua 2 tháng triển khai thương mại hóa 5G, Viettel nhận thấy hành vi tiêu dùng của 4 triệu thuê bao 5G Viettel là khoảng 21 GB/tháng, gấp 1,7 lần so với thời gian đầu cung cấp dịch vụ. Trên toàn quốc hiện nay Viettel có khoảng 10 triệu thuê bao có thiết bị đầu cuối 5G, trên tổng số 66 triệu khách hàng đang sử dụng mạng di động của Viettel. Điều này có nghĩa là còn khoảng 6 triệu thuê bao Viettel đã sẵn sàng sử dụng 5G.

Đại diện Viettel cho rằng, đến nay, các điều kiện để triển khai mạng 5G đã rất thuận lợi. Đặc biệt, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức công bố chuẩn bị cho việc đấu giá băng tần 700 MHz. Khi băng tần này được cấp cho nhà mạng, sẽ giúp các nhà mạng nâng cao vùng phủ sóng, nhất là vùng sâu vùng xa; đồng thời cũng giúp quy hoạch được hai băng tần 900 MHz và 700 MHz. Khi kết hợp lại, cả băng tần thấp và băng tần cao sẽ phát huy hiệu quả mạng 5G, tiết kiệm nhiều chi phí. Viettel và VinaPhone cũng đã tìm ra cách để hai nhà mạng chia sẻ cùng nhau hạ tầng 5G.

Đến năm 2024, việc Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn dắt và cấp phát tần số cho 5G đã và đang giúp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hạ tầng số Việt Nam. Song song đó, hiện tại, thiết bị 5G đã ở mức có thể chín muồi về tính năng và giá cả cũng đã ở mức chấp nhận được. Đại diện Viettel đánh giá rất cao sự dẫn dắt của Bộ trong phát triển hạ tầng số nói chung và mạng 5G nói riêng. Chắc chắn giai đoạn tới, Việt Nam sẽ có hạ tầng 5G tốt phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Việt Nam tự chủ công nghệ hạ tầng mạng 5G Việt Nam tự chủ công nghệ hạ tầng mạng 5G

VTV.vn - Giữa tháng 10 vừa qua, Viettel là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam chính thức thương mại hóa dịch vụ mạng 5G.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước