Năm 2022 và 2023 được đánh giá là giai đoạn mà ngành game phát triển vượt bậc nhất. Theo số liệu từ Newzoo, cuối năm 2022, thế giới có gần 3,2 tỷ người chơi game, tổng doanh thu toàn ngành đạt tới con số lớn nhất từ trước tới nay là 182,9 tỷ USD. Năm 2023, doanh thu ước tính sẽ chạm mốc mới là 187,7 tỷ USD. Trong đó, riêng game di động đã đóng góp hơn 92,6 tỷ USD.
Tại Diễn đàn quốc gia ngành game Việt Nam, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC) - chia sẻ, ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong 10 năm qua. Điều này được thể hiện qua những con số khi doanh thu ngành Game Việt Nam đã vượt 500 triệu USD và đứng thứ 5 tại Đông Nam Á.
Nhìn một cách thực tế, Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở và tiềm năng để phát triển hơn nữa khi số lượng người chơi trẻ ngày một đông đảo, việc tiếp cận với smartphone và máy tính giờ đây đã trở nên dễ dàng hơn.
Thị trường game Việt Nam đầy tiềm năng
Ngành game Việt Nam đã có những thành tựu nhất định trong năm 2023. Thần Trùng của DUT Studio khởi đầu thuận lợi khi đạt vị trí top 1 xu hướng trên Steam trong ngày ra mắt, vượt mặt cả Dota 2 và GTA V. Ít ngày sau đó, trò chơi kinh dị này trở thành tựa game được chơi nhiều nhất, khi ước tính có khoảng 1.500 người chơi cùng lúc ở giờ cao điểm, với 97% phản hồi tích cực. Sự thành công này như một hồi trống thúc đẩy các studio game Việt bùng nổ.
Thể thao điện tử hay eSports tại Việt Nam cũng có những bước phát triển vô cùng ấn tượng. Trong 10 năm qua, các đội tuyển thể thao điện tử Việt Nam đã vươn mình ra khỏi khu vực Đông Nam Á để cạnh tranh với những đội tuyển hàng đầu khác trên toàn cầu. Tại SEA Games 31, đoàn thể thao điện tử Việt Nam đã xuất sắc chắc giành được bốn huy chương vàng và ba huy chương bạc.
Với hơn 18 triệu người chơi thể thao điện tử, theo Sách trắng Thể thao điện tử Việt Nam 2021, ngành thể thao điện tử Việt Nam đang sở hữu một nền tảng tiềm năng để phát triển. Việc thể thao điện tử xuất hiện tại SEA GAMES cũng thể hiện nỗ lực thúc đẩy thể thao điện tử của Chính phủ Việt Nam. Giờ đây, game thủ chuyên nghiệp hay các nghề nghiệp liên quan đến game và thể thao điện tử đang ngày càng phổ biến hơn tại Việt Nam.
Sự phát triển của các phòng máy cybercafe cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của thể thao điện tử khi các game thủ có thể trải nghiệm các tựa game esports một cách cách chuyên nghiệp, nhất quán.
Các giải đấu thể thao điện tử trong nước từ cấp độ chuyên nghiệp, bán chuyên, cho đến đại học đang ngày một phổ biến hơn. Giải đấu National Student Open Cup là một minh chứng điển hình với sự tham gia của hơn 100 trường đại học, cao đẳng trên toàn Việt Nam.
Tầm quan trọng của những chính sách hỗ trợ đối với phát triển ngành
Đối với mảng thể thao điện tử, những giải đấu Việt Nam hiện nay tuy ngày một nhiều nhưng lại thiếu một tầm nhìn chung. Các giải đấu lớn chủ yếu đến từ những đơn vị phát hành nhằm quảng bá trò chơi. Trong khi đó, sự phát triển của ngành thể thao điện tử cần được triển khai một cách nhất quán với một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đáp ứng tối đa các nhu cầu từ người chơi, các đơn vị sản xuất cho đến các nhà hoạch định chính sách.
Đầu những năm 2000, Hàn Quốc đã thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ ngành game, tạo nên một vòng tròn sinh thái hoàn chỉnh, thành lập tổ chức KeSPA (Hiệp hội thể thao điện tử Hàn Quốc) để tập trung tổ chức những giải đấu game tầm cỡ. Nhờ sự hỗ trợ đó, Hàn Quốc được xem là cường quốc về thể thao điện tử và thu được rất nhiều lợi ích kinh tế trong lĩnh vực này. Một trong những game thủ cực kỳ nổi tiếng tại Hàn Quốc - Lee ‘Faker’ Sang-hyeok - sở hữu thu nhập đến 2,5 triệu USD.
Ở Việt Nam, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) đã trở thành đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của thể thao điện tử. VIRESA đã phối hợp và hỗ trợ với các đơn vị nhà phát hành lớn như VNGGames để tổ chức các giải đấu tầm cỡ, gần đây nhất là giải Giao hữu Liên minh huyền thoại giữa đội tuyển Hàn Quốc và Việt Nam vào tháng 9/2023.
Chắp cánh cho sự bùng nổ của ngành game Việt
Với lĩnh vực phát triển game, theo ông Phùng Việt Thắng - đại diện Intel tại Việt Nam, Chính phủ có thể xem xét đưa ra những chính sách ưu đãi, khuyến khích các studio game nghiên cứu và phát triển những sản phẩm giá trị cao, mang lại nhiều lợi ích về nhiều mặt. Game cũng là một công cụ tốt để quảng bá văn hóa của một quốc gia đến thế giới. Vì vậy, các nhà lập sách có thể xem xét các yếu tố này để đưa ra những chính sách nhằm thúc đẩy những kỹ sư tài năng của đất nước tạo ra các sản phẩm trò chơi chất lượng.
Đối với việc phát triển tài năng, Việt Nam cần có nhiều hơn các chính sách hỗ trợ game thủ ngay từ sớm. Các lớp dạy về thể thao điện tử nên được đầu tư bài bản, chỉn chu và được hợp thức hóa, chứ không chỉ tổ chức nhen nhóm và rời rạc.
Về việc cạnh tranh danh hiệu, Việt Nam cần tăng thêm các phúc lợi cho tuyển thủ khi tham gia học tập và thi đấu, tạo ra các chính sách phù hợp giúp các nhà tài trợ thoải mái hơn khi phát triển các dịch vụ trong nước. Có như vậy, các đội tuyển thể thao điện tử tại Việt Nam mới có đầy đủ tiềm lực và điều kiện để tập trung vào rèn luyện tốt nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!