Chỉ số TMĐT Việt Nam 2015 (EBI) chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp chấp nhận thẻ thanh toán là 16%, hình thức thanh toán qua ví điện tử chỉ chiếm 4% doanh nghiệp sử dụng. Số liệu mới hơn ở phân khúc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo thống kê của nền tảng bán hàng online Bizweb trên tổng số hơn 23.000 khách hàng là các chủ website thực hiện vào tháng 11/2016 cho thấy chỉ có 7,6% website có tích hợp cổng thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ tích hợp này đã rất thấp so với tiềm năng hiện có của TMĐT Việt Nam, tỷ lệ sử dụng lại càng thấp hơn.
Thanh toán trực tuyến trên website bán hàng không chỉ giúp người bán tận dụng được công nghệ số vào vận hành kinh doanh nhằm tiết kiệm nguồn lực từ nhân sự cho tới tài chính mà còn mang đến cho người mua những trải nghiệm thú vị. Thay vì phải trả bằng tiền mặt hay chuyển khoản ngân hàng rồi báo lại cho chủ shop, người tiêu dùng chỉ cần click chuột ngay trên chính nơi mua hàng để hoàn tất đơn hàng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng lại chỉ thích COD (ship hàng – nhận tiền) mà không mấy quan tâm tới thanh toán trực tuyến.
Trong khi TMĐT Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ và có những bước tiến đáng kể, điều kiện về hạ tầng công nghệ đã dần hoàn thiện, Nhà nước quan tâm đầu tư, thì thanh toán trực tuyến lại chưa có bước tiến rõ rệt để xứng với tiềm năng sẵn có. Ông Trần Trọng Tuyến - Tổng thư ký Hiệp Hội TMĐT Việt Nam - CEO Công ty CP Công nghệ DKT cho rằng: "Chỉ khi thanh toán trực tuyến phát triển mạnh mẽ, khi ấy TMĐT mới thực sự đi lên một cách trọn vẹn nhất. Để đạt được điều đó thì thanh toán trực tuyến cần phải đi trước một bước và hướng đến sự hoàn thiện các dịch vụ cả về chất và lượng để các doanh nghiệp khi cần có thể tích hợp, ứng dụng ngay vào trong quá trình kinh doanh của mình."
Ông Tuyến cũng cho hay nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tỷ lệ thanh toán trực tuyến thấp đó là thói quen của người tiêu dùng, thay vì sử dụng thẻ họ còn e ngại và lựa chọn phương thức trả bằng tiền mặt nhiều hơn, cùng lắm là chuyển khoản ngân hàng.
Cần một cú huých để thay đổi thói quen thanh toán
Để thúc đẩy việc thanh toán trực tuyến tại Việt Nam, trong ngày Hội mua sắm trực tuyến vào ngày mai - 02/12/2016 tới, Ban tổ chức đã huy động các ngân hàng, tổ chức tài chính tham gia hỗ trợ bằng việc triển khai chính sách Cashback (Hoàn tiền vào thẻ), Ban tổ chức muốn thúc đẩy việc thanh toán online của người mua hàng tham gia Ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất năm. Được biết, trong năm ngoái, tỷ lệ thanh toán qua thẻ trong chương trình Online Friday 2015 chỉ đạt 4% và 96% còn lại thuộc hình thức giao hàng tận nơi, thanh toán sau (COD). Hình thức thanh toán này gây nên nhiều bất lợi cho cả đơn vị chuyển phát và các đơn vị bán lẻ, vì rằng "đặt hàng 10 nhưng thành công chỉ có 1", những đơn hàng bị trả lại nghiễm nhiên trở thành khoản chi phí mà các doanh nghiệp phải gánh.
Cashback nghĩa là khi người tiêu dùng mua một sản phẩm /dịch vụ trực tuyến thành công, người đó sẽ được gửi hoàn trả lại một số tiền chiết khấu vào tài khoản ngân hàng của mình. Ví dụ, nếu mua một đơn hàng trị giá 1 triệu đồng, người mua hàng có thể được hoàn tiền lên đến 500.000 đồng khi thanh toán bằng thẻ. Đây là một thông tin hấp dẫn với những "tín đồ mua sắm" trong dịp Online Friday 2016, hi vọng sẽ tạo một cú huých thay đổi tư duy và thói quen thanh toán của người tiêu dùng.
Bên cạnh việc tác động đến đối tượng là những người mua sắm trực tuyến, chương trình cũng hướng đến thay đổi cách thức bán hàng cũng như tư duy của người kinh doanh - các chủ doanh nghiệp, chủ shop online. Theo chia sẻ từ đại diện Công ty CP Công nghệ DKT - thành viên Ban tổ chức Online Friday 2016, bản thân chính những chủ shop cũng cần trang bị đầy đủ tính năng, công nghệ đáp ứng việc thanh toán trực tuyến dễ dàng khi khách hàng có nhu cầu.
Để thanh toán trực tuyến phát triển thực sự cần phải tác động đủ sâu rộng đến thói quen của cả người bán và người mua. Một tương lai không tiền mặt sẽ không xa vời khi có sự đồng lòng của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!