Tận dụng hiệu quả công nghệ để phát triển nguồn nhân lực số

Thùy An-Thứ năm, ngày 22/12/2022 15:03 GMT+7

VTV.vn - Để phát triển nguồn nhân lực số, chuyên gia Luxoft Việt Nam cho rằng cần có giải pháp đột phá, đó là tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của công nghệ số vào công tác đào tạo.

Theo số liệu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố hồi tháng 8, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trên tổng số lao động của Việt Nam ước đạt 1% trong tổng số 51 triệu lao động. Về chất lượng, chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc. Dự báo đến 2023, toàn ngành sẽ thiếu hụt khoảng một triệu lao động.

Theo báo cáo về xu hướng tuyển dụng nhân sự năm 2022 của TopCV, kết thúc 2021, 43% doanh nghiệp đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân sự. Gần 65% doanh nghiệp có kế hoạch tăng nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT trong năm 2022. Tuy nhiên, sau 9 tháng và qua nhiều kênh tuyển dụng, đào tạo, không ít bên chia sẻ mới chỉ đạt được khoảng 2/3 số nhân sự cần thiết.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn gặp sự cạnh tranh lớn từ các nước trong khu vực ASEAN trong thu hút và giữ chân lao động chất lượng cao. Bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng đang đau đầu với bài toán tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, bên cạnh việc giữ chân nhân sự giỏi bởi nhân sự giỏi.

Tận dụng hiệu quả công nghệ để phát triển nguồn nhân lực số - Ảnh 1.

Theo số liệu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố hồi tháng 8, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động của Việt Nam ước đạt 1% trong tổng số 51 triệu lao động (Ảnh minh họa)

Chính vì thế, để phát triển nguồn nhân lực số, chuyên gia Luxoft Việt Nam cho rằng cần có giải pháp đột phá. Các giải pháp đó là tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của công nghệ số vào công tác đào tạo, thúc đẩy phát triển mô hình giáo dục đại học số.

"Từ kinh nghiệm của một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy rằng, với nhân sự chất lượng cao, họ được công ty đãi ngộ tốt cũng như dễ có các đơn vị khác săn đón, mời về làm việc với chế độ đãi ngộ còn tốt hơn nơi họ đang làm. Do đó, các doanh nghiệp thường gặp nhiều thách thức trong cả việc bảo toàn đội ngũ nhân sự CNTT chất lượng cao của mình và tuyển dụng mới để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Vì thế, tôi cho rằng, việc thiếu hụt nhân lực trong quá trình chuyển đổi số cho thấy chính sách phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng cao cần được xem là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm cho thành công của chuyển đổi số trong giai đoạn tới", ông Nguyễn Thái An - Tổng Giám đốc Luxoft Việt Nam cho biết. 

Cũng theo ông Thái An, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số cần quy mô nguồn nhân lực lớn (số lượng) và bao gồm đội ngũ nhân sự có mức độ chuyên môn cao và đa dạng kinh nghiệm chuyễn đổi số cho các ngành công nghiệp dịch vụ khác nhau (chất lượng).

Tận dụng hiệu quả công nghệ để phát triển nguồn nhân lực số - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Thái An, để phát triển nguồn nhân lực số, vẫn cần có giải pháp có tính đột phá.

Theo quan điểm của Luxoft cũng như nhiều công ty dịch vụ phần mềm trong Liên minh các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - VNITO, việc tăng quy mô đào tạo ngành CNTT tại các trường đại học đóng vai trò cốt yếu để đáp ứng quy mô nguồn cung nhân lực chuyển đỗi số. 

Ông Thái An cho rằng nguồn nhân lực được đào tạo ra cần môi trường thực tế để làm việc và phát triển kỹ năng. Bên cạnh đó, tái đào tạo cho nhân sự trong tổ chức là việc các doanh nghiệp cần làm để nâng cao kỹ năng cho nhân viên, cả kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng mềm để linh hoạt thích ứng với môi trường làm việc thay đổi… Việc phát triển kỹ năng cho người lao động cần gắn liền với những cam kết về vị trí việc làm, lộ trình thăng tiến và thu nhập...


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước