Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà
Việt Nam sẽ được gì từ dự án này, sau khi đã dành khá nhiều ưu đãi cho họ?
Samsung đã chính thức nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Trung tâm R&D tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, đây được xem là dự án trung tâm R&D quy mô lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Đây cũng là lần đầu tiên, một “đại gia” công nghệ nước ngoài đầu tư xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam.
Trước đây, Bosch, HP, Intel… và cả Samsung cũng đã đầu tư khá lớn cho hoạt động R&D tại Việt Nam, song gần như chỉ với tư cách một dự án thành phần, chứ không phải là dự án R&D độc lập như dự án này.
Thông tin cho biết, Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng hơn 116.000 m2, cao 21 tầng, 2 tầng hầm và sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2020, thu hút khoảng 4.000 nhân viên.
“Dự án có thể sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm nay, với tiêu chuẩn chất lượng của Hàn Quốc”, một nguồn tin từ Samsung Electronics Việt Nam cho biết.
Dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư rất nhanh sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư dự án này, cũng như sau khi các thỏa thuận về ưu đãi đầu tư được hai bên xem xét. Kế hoạch xây dựng cũng đã được lên “phác đồ”. Và câu hỏi hiện tại là, Việt Nam sẽ được gì khi Samsung đầu tư xây dựng dự án này?
Cũng cần phải nhắc lại rằng, chỉ cách đây ít ngày, không ít thông tin trên các phương tiện truyền thông cho rằng, Samsung đã đưa ra tới 12 “yêu sách” để đầu tư dự án này, từ được miễn tiền thuê đất trong vòng 50 năm, đến miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, vật liệu xây dựng, trang thiết bị phục vụ hoạt động R&D, rồi được phép chuyển nhượng tài sản hình thành trên đất và quyền sử dụng đất cho đơn vị khác mà không có bất cứ hạn chế nào, trong trường hợp có lý do hợp lý…
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, không thể gọi đó là “yêu sách”. “Yêu sách là khi nhà đầu tư đưa ra các đòi hỏi, lấy đó làm điều kiện nếu không đáp ứng thì sẽ không đầu tư nữa hay sẽ dời đi. Còn đây là đề xuất, nhà đầu tư nào chẳng muốn được càng nhiều ưu đãi càng tốt. Nhưng giữa việc họ đề xuất và ta chấp thuận là hai chuyện khác nhau, không thể vì thế mà nói Samsung đòi hỏi nhiều quá”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Dẫn câu chuyện từ nhiều năm trước đây, khi Intel bắt đầu lên kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, họ đã có một bản đề xuất tới 28 “đòi hỏi”, cuối cùng, Chính phủ Việt Nam chấp thuận 22 đề xuất, trong đó có cả việc hỗ trợ tài chính cho dự án, mà cho tới nay chưa có bất cứ nhà đầu tư nào được hưởng, ông Nguyễn Mại cho biết, phải làm như vậy vì lúc ấy việc thu hút được Intel đầu tư vào Việt Nam là rất quan trọng để kéo nhà đầu tư khác vào.
Và đúng như vậy, sau cú hích Intel, hàng loạt “đại gia” công nghệ thế giới, như Samsung, LG, Microsoft… đã đổ bộ vào Việt Nam, biến Việt Nam thành công xưởng lớn của thế giới, thành tâm điểm của giới công nghệ toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Apple cũng đã lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD tại Việt Nam.
“Hồi đó, những đòi hỏi hơi quá, chúng ta đã giải thích cho Intel và họ đã hiểu. Bây giờ với trường hợp của Samsung cũng vậy, nếu cho rằng đề xuất nào của họ là không hợp lý, thì ta giải thích và có thể không chấp thuận. Nhưng tôi cho rằng, nhiều đề xuất xin ưu đãi của Samsung đã nằm trong các quy định của pháp luật Việt Nam rồi, không cần thiết phải xin. Ví dụ, việc chuyển nhượng tài sản hình thành trên đất và quyền sử dụng đất cho đơn vị khác, thì pháp luật Việt Nam đã cho phép”, ông Nguyễn Mại nói.
Câu chuyện nằm ở chỗ, gần đây, vẫn có những cái nhìn thiếu khách quan và phiến diện đối với những đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vì vậy, không ít quan điểm cho rằng, nên hạn chế thu hút FDI, bởi nếu không, doanh nghiệp trong nước sẽ bị lép vế. Tuy nhiên, liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhiều lần khẳng định, điều quan trọng phải là làm sao để doanh nghiệp trong nước mạnh lên, trở thành đối tác và đối trọng của doanh nghiệp FDI, chứ không thể vì thế mà “kéo FDI xuống”.
“Hãy tới Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bình Dương sẽ thấy những gì mà khu vực FDI đóng góp được cho kinh tế - xã hội Việt Nam để hiểu và không kỳ thị khu vực này nữa. Nên có một cái nhìn khách quan hơn đối với khu vực này”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Trở về với dự án R&D của Samsung, ông Nguyễn Mại tính toán, với 4.000 nhân viên, mỗi tháng, các nhân viên này chỉ nộp 1 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân thôi thì ngân sách đã thu được 4 tỷ đồng/tháng, tức gần 50 tỷ đồng/năm, chưa kể các đóng góp vô cùng quan trọng khác của một trung tâm R&D, lĩnh vực đầu tư thượng nguồn mà bao lâu nay, Việt Nam muốn thu hút.
“Nhà nước cũng đã phải bỏ nhiều chục triệu USD để xây dựng những trung tâm nghiên cứu quốc gia, mà theo tôi biết, những trung tâm này hoạt động không hiệu quả lắm. Bây giờ, có nhà đầu tư nước ngoài mang 300 triệu USD vào Việt Nam đầu tư, tuyển và đào tạo 4.000 nhân viên, mà lại trong lĩnh vực công nghệ cao. Chỉ riêng việc đó thôi đã rất đáng khích lệ và dành ưu đãi cao cho họ”, GS-TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh và khẳng định rằng, những ưu đãi mà Việt Nam dành cho những dự án như vậy là “rất đáng”, bởi Việt Nam sẽ thu lợi rất nhiều.